Chưa có nhận xét nào

MARAṄASSATI – NIỆM SỰ CHẾT

Sabbe sattā marissanti
Maraṅantam hi jīvitaṁ
Yathā kammaṁ gamissanti
Puññapāpabhalūpagā
Nirayaṁ pāpakammantā
Puññakammā ca sugatiṁ
Tasmā kareyya kalyāṅaṁ
Nicayaṁ samparāyikaṁ
Puññāni paralokasmiṁ
Paṭṭithā honti pāṅinaṁ
Chúng sinh đều phải chết
Sự chết vốn đồng nhau
Chỗ tận cùng kiếp sống
Ai làm ác về sau
Khổ báo trong địa nguc
Ai làm lành được hưởng
An lạc nơi cõi trời
Do vậy người trên đời
Hãy thấy rõ sự thật
Tinh tấn tạo nghiệp lành
Nhanh chóng làm việc phước
thường được bậc hiền trí
Hành trì và ngợi khen
Vì chỉ có phước đức
Là hành trang duy nhất
Là bạn nương tựa tốt
Cho cuộc đời mai hậu.

Āyu usmā ca viññāṅaṁ
Yadā kāyaṁ jahantimaṁ
Apaviddho tadā seti
Niratthaṁva kaliṅgaraṁ
Thân bị quăng vô tri
không thọ, sức nóng, thức
Bị quăng đi, nó nằm
Như gỗ mục vứt bỏ.

Upanīyati jīvitamappamāyuṁ
Jarūpanī tassa nasanti tāṅā
Etaṁ bhayaṁ maraṅe pekkhamāno
Puññāni kayirātha sukhāvahāni
Sự sống của chúng sinh
Thật vô cùng ngắn ngủi
Từ trẻ cho đến già
Từ già cho đến chết
Lộ trình sinh tử ấy
Chúng sinh đều bất lực
Nếu người đời thấy rõ
Sự chết luôn sẵn sàng
Hằng theo đuổi bên mình
Nên tạo nhiều công đức
Vì phúc lạc trên đời
Đều do nhân thiện nghiệp.

Na tattha hatthīnaṁ bhūmi
Na rathānaṁ na pattiyā
Na cāpi mantayudhena
Sakkā jetuṁ dhanena vā
Tasmā hi paṅḍito poso
Sampassaṁ atthamattano
Buddhe Dhamme ca Saṅghe ca
Dhīrosaddhaṁ nivesaye
Yo dhammacārī kāyena
Vācāya uda cetasā
Iddheva naṁ pasaṁsanti
Pacca sagge pamodati.
Tất cả chúng hữu tình
Bất lực trước sự chết
Mong ước thắng tử thần
Là điều không thể có
Dùng sức mạnh voi binh
Hoặc bộ binh, xa mã
Chẳng thể dùng bùa chú
Công danh hay tài sản
Chiến đấu với tử thần
Do vậy, người trên đời
Noi gương bậc trí tuệ
Tìm lợi lạc cho mình
Hằng phát sinh tín ngưỡng
Kiên cố bất động tâm
Vào đức tin Tam Bảo
Kiên cố làm việc lành
Lìa tử sinh, khổ não.

BỐN NGÀY MẤT 2 MẸ

Đây là tấm hình của 3 người chị ruột của bố tôi chụp năm ngoái, Mẹ Cần ngồi giữa 94 tuổi, Mẹ Nghi ngồi mé trái 89 tuổi, Mẹ Bé ngồi mé phải 87 tuổi.
Từ đầu năm 2018, sức khoẻ của Mẹ Bé đột nhiên xấu trông thấy, Mẹ phải nằm viện, rồi điều trị tích cực tại nhà. Nghiêm trọng hơn là việc 1 tháng gần đây Mẹ liên tục phải nằm ở phòng điều trị tích cực của khoa hồi sức cấp cứu… 10 ngày trước, Mẹ Bé được phép về nhà nằm đợi chuyến xe chuyển nhà đi tái định cư ở cảnh khác.. Tất cả con cháu đều sẵn sàng cho chuyến sinh ly tử biệt này.

Mẹ Nghi của tôi năm nay 89 tuổi. Ơn Trời Phật là Mẹ khoẻ, Mẹ vẫn đi lại hoạt bát, trí tuệ minh mẫn, Mẹ vẫn đủ khoẻ để đi máy bay vào tận TP HCM thăm mấy đứa cháu chắt cưng như Thu Trang Do, Hạnh… Mẹ mới ở trong đó bay ra được 2 hôm…

Rồi sáng hôm đó, Mẹ Nghi 89 tuổi vào thăm Mẹ Bé 87 tuổi, Mẹ Nghi còn nói đùa với cô em ruột là: “bà còn lâu. Khéo tôi còn đi trước bà”… Nói chơi như vậy thôi rồi Mẹ Nghi về nhà ăn xong bát cơm thì kêu mệt, mấy người con cuống quýt anh thì day huyệt, chị thì xoa ngực cho Mẹ… Nhưng Mẹ cứ yếu dần rồi đến khi vào đến viện thì mạch của Mẹ không còn nữa. Mẹ đã an vui và thơ thới đi tái sinh ở cảnh mới đầy an lạc rồi…

SHOCK!!! Đó là từ duy nhất để miêu tả thái độ chung của thân quyến đại gia đình tôi. Nhìn Mẹ Cần 94 tuổi ngồi thẫn thờ bên giường nơi em gái đang yên bình nằm phủ khăn che mặt mà thương vô cùng. Tôi đưa U tôi vào thăm và nghe U không kìm được nức nở mà thấy bùi ngùi vô hạn. Nén cảm xúc lại và tôi tụng 1 thời Kinh dài để rải tâm từ tới các chúng sinh ở đó, rồi tụng các bài Kinh Paritta, Kệ Thành Đạo, Kinh Chuyển Pháp Luân, Paṭṭhanā… Rồi hồi hướng và chia phước đến thân quyến đã quá vãng, đặc biệt là Mẹ Nghi.. Sáng hôm sau nữa, con cháu nội ngoại tộc đưa Mẹ ra đồng, trời thật chiều lòng người khi ngớt hẳn dông tố để đón Mẹ hoà vào lòng đất… Từ nơi đó, tôi lại đưa U vào thăm Mẹ Bé vẫn đang nằm thở oxy rồi quay về Hà Nội. Vừa ngồi chưa ráo mồ hôi thì chú em Cuong Vu Dinh đã mếu máo gọi báo tin Mẹ Bé đã đi rồi. Vậy là lại sấp ngửa đội nắng mưa về chịu tang Mẹ. Các Mẹ đi cảnh mới thảnh thơi an nhàn, để lại thân quyến trong buồn thương nhung nhớ. May mà Tuệ Ân cũng có chút kiến thức Phật Pháp nên đây cũng là cơ hội tốt để trợ duyên cho người thân nhận thức đúng đắn về sự chết cũng như phát khởi đức tin vào Tam Bảo.

Hôm nay, khi các Mẹ đã yên bề mộ phần, con mới có thời gian để viết lên những dòng tâm sự này để tưởng nhớ đến các Mẹ già yêu quý của con. Xin hoan hỉ chia sẻ những điều được học về sự tử sinh luân hồi cùng thân quyến và bạn hữu.

Chết – theo nghĩa thông thường nghĩa là chấm dứt sự sống. Vì bản chất sự sống là giả tạm nên sự chết cũng vậy. Sự sống mới bắt đầu ngay sau sự chết. Người sống ở cuộc sống mới này cuối cùng sẽ gặp lại cái chết. Sau khi chết có tái sinh, rồi lại chết, lại tái sinh… cứ như thế tiếp diễn mãi. Đó là điều mà chúng ta gọi là vòng tái sinh luân hồi (Samsarā) vô cùng vô tận.

Sự chết không phải là một điều lạ lùng bởi vì ai cũng phải chết. Nhiều người có thể nghĩ rằng chết là sự chấm dứt rốt ráo của cuộc sống. Là Phật tử, chúng ta không tin như vậy. Đối với chúng ta chết chỉ là một hiện tượng tạm thời.

Khi chúng ta quá thương yêu một người nào đó trong gia đình, thì chúng ta khó có thể chấp nhận việc mất người đó, nhưng hãy nghĩ lại xem bạn đâu có vĩnh viễn không còn gặp họ? Đức Phật thuyết rằng: Vì trong nhiều đời nhiều kiếp chúng sinh đó đã cùng chung sống nên các kiếp vị lai sẽ lại tìm gặp nhau để làm bạn hữu, làm thân bằng quyến thuộc của nhau. Cái chết của người thế tục thực ra chẳng chấm dứt được gì cả, bởi vậy chúng ta sẽ gặp lại người chết trong kiếp sống tương lai. Trong các chuyện tiền thân Jātaka, ta thấy Đức Phật và các môn đồ của Ngài như Ngài Sāriputta, Moggallāna, Ānanda, Rāhula… đã gặp gỡ nhau nhiều đời nhiều kiếp khác nhau.

Đức Phật dạy rằng trên thế gian này, khó tìm ra người chưa từng là ông bà, cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cháu của chúng ta. Điều quan trọng chúng ta cần phải hiểu là phải đối phó hay phản ứng thế nào trước chia ly, sự mất mát lớn lao như vậy. Khi trong gia đình có một người ra đi, trước sự mất mát này tất cả chúng ta đều đau khổ. Chúng ta nên khóc lóc thương tiếc hay nên tự chủ kiểm soát mình, hiểu rõ sự kiện thực tế và suy niệm vê sự chết? Tôi không thể khuyên bạn và những người trong gia đình không nên thương tiếc, sầu muộn. Khuyên như vậy thì hơi khắt khe và có vẻ thiếu tình cảm quá, chẳng phải lẽ chút nào, bởi vì than khóc, tiếc nuối trước sự ra đi của một người thân yêu là chuyện tự nhiên. Tôi chỉ muốn nhắc nhở các bạn nên làm chủ và kiểm soát sự đau thương, phiền muộn của mình, đừng để sự tiếc thương chế ngư nặng nề khiến nhiều sự tai hại đáng tiếc có thể xảy đến cho bạn. Điều quan trọng là cần nhận ra rằng đây là cơ hội, đây là lúc thích hợp để bạn suy niệm về sự chết và để chấp nhận chúng với sự hiểu biết.

Có một chuyện tiền thân (Jātaka) kể về Đức Bồ Tát – người đã có thái độ cùng phản ứng tốt đẹp và thích đáng trước cái chết của người thân. Thời bấy giờ, Bồ Tát là một nông dân sống với vợ cùng con trai và con gái. Người con trai có vợ và người con dâu cùng sống với gia đình chồng. trong nhà còn có thêm một người giúp việc.

Ngày nọ người nông phu cùng con trai nhóm lửa để đốt rơm ngoài đồng. Chẳng may chỗ nhóm lửa gần một ổ mối, nơi một con rắn độc đang ăn mối trong đó. Giận dữ vì bị khói hun, con rắn phóng ra cắn chết người con trai. Sau khi cố gắng cứu con không thành, người nông phu bình tĩnh đặt xác con trai dưới cội cây, lấy áo đắp xác con rồi tiếp tục cày ruộng như thường. Thấy người hàng xóm đang trên đường về làng, người nông phu nhờ ông ta nhắn với vợ mình: “Hôm nay chỉ đem một phần cơm thôi. Tất cả mọi người trong gia đình đều phải tắm rửa sạch sẽ và xức dầu thơm, đeo tràng hoa và đi đến đây”.

Người vợ hỏi người hàng xóm rằng ai là người nhắn tin này, họ cho biết đó là chồng bà. Vợ người nông phu hiểu rằng con trai mình đã chết. Tất cả mọi người trong gia đình bình tĩnh làm theo lời nhắn nhủ và không tỏ vẻ hoảng hốt chút nào.

Khi cơm đem đến, người nông phu yên lặng ngồi ăn trong khi đó những người khác trong gia đình đi gom củi để làm giàn hỏa thiêu. Họ làm việc trong yên lặng bình thản. Sự bình tĩnh đó đã khiến ghế của vua trời Đế Thích bị nóng lên, sau khi quán xét sự việc, vua trời rất thán phục trước thái độ của những người này vì muốn thử họ nên vua trời Đế Thích hiện thành một người đàn ông đến gặp:

– Các vị đang chuẩn bị củi để đốt cái gì đó?

– Chúng tôi gom củi để thiêu một người chết.

– Không thể là một người chết. Một con nai chết thì đúng hơn, bởi vì tôi thấy các vị chẳng tỏ vẻ thương tiếc gì cả.

– Không, đúng là một người chết !

– Như vậy người chết phải là kẻ thù của các vị à?

– Không, đó là con trai của chúng tôi.

– Như vậy chắc anh ta không phải là đứa con trai mà các vị rất yêu thương phải không?

– Không, Chúng tôi rất thương yêu nó.

– Trông các vị chẳng buồn bã chút nào cả?

– Cũng như con rắn lột vỏ bỏ đi, chẳng hề nhìn chiếc vỏ cũ để lại, con tôi bỏ xác thân này để đi đến một cảnh giới khác, chỉ có thế thôi. Khi một người chết đi, xác thân họ chẳng còn biết gì, chẳng cảm giác được sức nóng của ngọn lửa cũng chẳng hay biết sự khóc than của thân nhân. Họ đã đi theo lối đi của họ. Vậy buồn bã phỏng có ích gì đâu?

Đế Thích Thiên Vương quay sang vợ người nông phu và hỏi cùng câu hỏi. Bà ta trả lời:

– Khi nó đến chẳng ai mời, và khi ra đi, nó cũng chẳng cần hỏi ý kiến chúng tôi có bằng lòng không. Khi một người chết đi, xác thân họ chẳng còn biết gì, chẳng cảm giác được sức nóng của ngọn lửa cũng chẳng hay biết sự khóc than của thân nhân. Họ đã đi theo cách của họ.

Đế Thích Thiên Vương hỏi người em gái:

– Anh trai là người rất thương yêu của cô. Tại sao anh trai chết mà cô chẳng tỏ chút tiếc thương nào cả?

Cô em gái trả lời:

– Nếu khóc thương anh trai, tôi sẽ gầy còm. Gia đình và bạn bè tôi sẽ lo lắng buồn khổ vì tôi. Như vậy tôi làm họ càng đau khổ hơn nữa. Khi một người chết đi, xác thân họ chẳng còn biết gì, chẳng cảm giác được sức nóng của ngọn lửa cũng chẳng hay biết sự khóc than của thân nhân. Họ đã đi theo lối đi của họ.

Đế Thích Thiên chủ bèn hỏi vợ của người chết, và cô ta trả lời:

– Đau buồn tiếc thương cho người chết chẳng khác nào trẻ con khóc cho mặt trăng khi đầy khi khuyết. Điều này chẳng ích lợi gì cả vì vậy tôi chẳng khóc thương. Khi một người chết đi, xác thân họ chẳng còn biết gì, chẳng cảm giác được sức nóng của ngọn lửa cũng chẳng hay biết sự khóc than của thân nhân. Họ đã đi theo lối đi của họ.

Vua trời bèn hỏi người giúp việc:

– Phải chăng người chết là một người chủ không tốt nên khi anh ta chết thì bà chẳng khóc thương tiếc nuối?

– Không, cậu ta đối xử với tôi rất tử tế. tôi thương cậu ta chẳng khác nào thương con trai của mình.

– Thế sao bà chẳng tỏ vẻ tiếc thương chút nào?

– Bình đã vỡ thì chẳng thế nào đựng nước được. Không thể nào làm cho người chết sống lại, dẫu có phép thần thông đi nữa. Khi một người chết đi, xác thân họ chẳng còn biết gì, chẳng cảm giác được sức nóng của ngọn lửa cũng chẳng hay biết sự khóc than của thân nhân. Họ đã đi theo lối đi của họ.

Vua trời Đế Thích rất lấy làm hoan hỉ trước trước những câu trả lời trí tuệ của năm người.

Tại sao người nông phu – vị Bồ tát tiền thân Phật Thế Tôn, rất bình thản trước cái chết của con mình?

Theo chú giải thì Bồ tát luôn luôn dạy cho những người trong gia đình mình về sự chết, về bản chất của sự chết, về bản chất vô thường, hoại diệt của các sự vật trên thế gian. Chúng ta phải thực hành phương pháp quán niệm về sự chết này. “Quán niệm về sự chết” – một trong “Bốn điều bảo vệ cho việc hành thiền” là dụng cụ, là phương tiện hữu hiệu để chế ngự tình cảm, không buồn bã than khóc trước sự ra đi của người thân. “Suy niệm về sự chết” là một pháp suy niệm hỗ trợ đắc lực cho thiền minh sát. Suy niệm về sự chết giúp chúng ta dễ dàng chấp nhận sự chết – sự chết của người khác cũng như sự chết của chính chúng ta.

Đó là bài học chúng ta đã học được qua những câu trả lời của năm người về thái độ của họ trước cái chết của người thân. Những câu trả lời trên rất ý nghĩa và ích lợi cho chúng ta. Khi buồn đau trước sự ra đi của người thân, hãy cố gắng nhớ đến những câu trả lời, và thái độ của những người trong câu chuyện này.

Chuyện tiền thân trên được Đức Phật kể ra để nhắc nhở và dạy dỗ cho một người đàn ông vừa mới mất con. Ông ta âu sầu than khóc mãi đến nỗi chẳng còn làm được việc gì hằng ngày nữa. Từ bài học này chúng ta hãy cố gắng kiểm soát sự lo âu phiền muộn, sầu muộn than khóc để giảm thiểu chúng. Tôi không bảo bạn đừng ưu sầu, nhưng tôi muốn khuyên các bạn hãy cố gắng giới hạn đừng để ưu sầu vượt quá phạm vi của nó.

Một số người không thể dễ dàng bình thản trước sự ra đi của người thân, đặc biệt là trường hợp người thân mất đi trong một tai nạn thảm khốc, mất đi trong lúc còn trẻ tuổi. Bạn phiền trách ai bây giờ? Chẳng có ai để bạn phiền trách ngoại trừ cái nghiệp của mình. Chết là định luật chung của mọi người. Đây là một định luật khắc nghiệt, không dành riêng ân huệ cho một người nào. Bạn không thể trả giá hay mặc cả với nghiệp, xin nghiệp cho bạn một đặc ân. Những gì đã làm trong quá khứ, chúng ta sẽ gặt hái kết quả trong hiện tại. Một cách làm giảm thiểu ưu buồn hữu hiệu là hãy suy tưởng như sau: “Người thân ta chết là do nghiệp của họ. Bây giờ ta khóc lóc thương tiếc, sự khóc lóc thương tiếc này có đem lại chút lợi ích nào cho họ không? Chúng ta ai cũng biết rằng sự buồn bã than khóc chẳng đem lại lợi ích chi cho người chết cũng như người còn sống. Vậy chúng ta phải làm giờ bây giờ? Có hai điều cần phải xét đến. Trước tiên, đối với người chết. sau đó đối với chúng ta như sau:

– Theo lời dạy của Đức Phật chỉ có một cách duy nhất có thể giúp đỡ người quá vãng là hồi hướng phước báu đến họ. Muốn hồi hướng phước báu thì trước tiên chúng ta phải làm phước, bởi vì chúng ta chỉ có thể hồi hướng hay chia những gì chúng ta có mà thôi. Tạo phước báu để hồi hướng đến người đã khuất là bổn phận phải làm, một nghĩa vụ chúng ta phải hoàn mãn. Người quá vãng luôn trông chờ phước báu hồi hướng từ thân nhân của mình. Khi chúng ta hồi hướng phước báu đến người quá vãng, vì họ hoan hỉ với phước báu của chúng ta nên họ sẽ nhận được phước báu. Khác với trường hợp ở thế gian, phước báu này sẽ trả quả tức khắc đến họ. Trong thế giới của họ, họ hưởng phước báu ngay tức khắc dưới hình thức thực phẩm, áo quần, chỗ ở v.v… Như vậy bổn phận của chúng ta là hãy làm phước và hồi hướng phước báu đến người đã khuất.

– Còn đối với chúng ta, hãy biến hoàn cảnh xấu thành cơ hội tốt. Hãy suy tưởng đến sự chết: “Người ấy chết và một ngày nào đó ta cũng sẽ chết, có thể hôm nay, ngày mai, 5 năm, hay 30 năm nữa”. Có ai biết được lúc nào chúng ta sẽ ra đi? Đời người ngắn ngủi làm sao! Bây giờ chúng ta còn có thời gian thì hãy tạo những phước báu mà chúng ta có thể làm, bởi một ngày nào đó chúng ta sẽ già nua hay bệnh hoạn không còn làm được nữa. Chúng ta phải tinh tấn thực hành Giới, Định, Tuệ. Chúng ta phải tạo nhiều phước báu để lúc rời bỏ thân thể này ra đi một cách nhẹ nhàng. Như vậy cho dù có chuyện buồn thương xảy ra, chúng ta vẫn có thể học cách tạo nên những phước báu tốt đẹp cho kiếp sống sau này thay vì bi lụy một cách vô ích.

Tóm lại, có hai việc chúng ta cần nhớ để thực hiện trong hiện tại là năng làm phước và hồi hướng phước báu cho người quá vãng. Hãy quán niệm rằng đám tang được tổ chức nhằm đem lại lợi ích cho người đã khuất và cũng là dịp để cho người còn sống suy niệm về sự chết, suy niệm về sự vô thường, không nên vì sự chết chóc đó mà cổ súy cho những thói vô ích, mê mờ, lầm lạc, tà kiến và dị đoan.

Đặc biệt là ta cần hiểu biết đầy đủ và trọn vẹn về các Đấng sinh thành ra ta, hai bậc ân nhân công lao trời bể với mỗi chúng ta là Mẹ và Cha. Vì Cha Mẹ ta luôn trong tình trạng sẵn sàng xả bỏ bất cứ khi nào, nên ta phải thường xuyên quán quán tưởng sự sinh ly tử biệt để không ngơi nghỉ việc báo đền ân đức cao dày của song thân phụ mẫu.

Trong bộ kinh Majjhimanikāya Mulapaññāsaka, Đức Thế Tôn có dạy rằng: “Này các Tỳ khưu, cha mẹ là đấng có tâm rất lành đối với con, bắt đầu từ khi vừa biết thọ thai, mẹ hết sức lo bảo vệ thai bào, cha thì lo thang thuốc cả mười tháng như vậy. Các Tỳ khưu này, bà mẹ hết sức lo và cố gắng săn sóc con, không nài cực nhọc, không một việc nhỏ nhen nào mà bà không quan tâm tới, chính bà là người san sớt máu cho con, chẳng những lo cho con khi còn trong thai, mà mãi đến khi vừa sinh ra cho đến lớn khôn, mẹ và cha lo cho đến khi nào họ từ bỏ cõi đời này”.

Mẹ và cha khi biết mình đã có con, thì lo tiết kiệm tiền của để cho con, lắm khi vì lòng thương con mà dám làm tội ác, để có tiền nuôi con, hoặc để dành cho con về sau. Khi nào con đi đâu về trễ, cha mẹ đều lo sợ, nhất là cha mẹ dựa cửa ngóng trông, sợ con gặp tai nạn.

Vì vậy Đức Phật dạy: Cha mẹ đối với con có bốn đức, là Từ, Bi, Hỉ, Xả.

Lại có câu kệ ngôn dạy rằng: “Ubhopi ce te brahmāpubbadevā pubbacāryā ahuneyyati ca vuccati”. Nghĩa là đối với hai đấng đại ân nhân ấy, Đức Phật có ban cho bốn hồng danh là:

1. Phạm thiên;
2. Chư thiên thuở đầu;
3. Vị tôn sư trước nhất;
4. Bậc đáng cúng dường.

1 – Hồng danh thứ nhất: Phạm thiên: có nghĩa là cao quí, ý nói cha mẹ nuôi dưỡng con được hoàn toàn không quản khó nhọc, vì cha mẹ có tứ vô lượng tâm, nghĩa là tâm cao quí không lấy gì đo lường được;
Bốn tâm ấy là:
1 – Mettā: Từ
2 – Karunā: Bi.
3 – Muditā: Hỉ.
4 – Upekkhā: Xả.
Bốn tâm này giờ phút nào cũng ở trong cha mẹ và hằng ban bố đến con, mặc dù con đã lớn khôn, trưởng thành, Cha mẹ cũng như Phạm thiên, bao giờ cũng niệm tứ vô lượng tâm không ngừng nghỉ. Vì lẽ ấy, nên Đức Phật mới cho cha mẹ hồng danh làm Phạm thiên.

Bốn tâm vô lượng ấy phát sinh đến cha mẹ từ bao giờ?

– Tâm Từ phát sinh đến cha mẹ, kể từ khi mẹ biết mình thụ thai. Ngay từ khi ấy, cha mẹ lo lắng mong thấy mặt con, muốn biết xem con ấy là trai hay gái, đẹp hay xấu, có tật bệnh gì không. Suy tư như thế gọi là tâm từ đã sinh khởi.

– Tâm Bi có từ khi mẹ vừa sinh con ra khỏi lòng. Mặc dù trong khi ấy mẹ còn đau đớn cực nhọc, nhưng khi nghe tiếng con khóc, mẹ lo nghĩ đến con, thương con và lo sợ cho sức khỏe của con. Lòng thương con không biết bờ bến nào mà kể.

– Tâm Hỉ có từ khi con vừa biết đi đứng cho đến khi lập gia đình, vẫn đến khi cha mẹ chết. Cha mẹ thấy con càng an vui, càng mừng và càng cầu nguyện cho con thêm, không bao giờ cha mẹ biết ganh tị với con về hạnh phúc của con. Mặc dù con có nuôi cha mẹ hay không, cha mẹ cũng không đòi hỏi và cũng không than vãn phiền trách.

– Tâm Xả phát sinh lên, khi con khôn lớn có gia đình, giàu hay nghèo chẳng hạn, mà không lo phụng sự hoặc giúp đỡ cha mẹ, cha mẹ cũng không bao giờ buồn và không đòi hỏi gì ở con. Mặc dù con có lầm lỗi phạm thượng, cha mẹ vẫn vui lòng tha thứ, không có oán như người dưng kẻ lạ.

2 – Hồng danh thứ nhì: Đức Phật gọi cha mẹ là chư thiên thuở đầu, bởi cha mẹ là người duy nhất gắng hết tâm lực đem hạnh phúc lại cho con, không bao giờ cố chấp lỗi lầm nào của con, không muốn con mình bị tai nạn.
Thời kỳ Đức Phật còn tại thế, người thời ấy chỉ biết tin ở một đấng siêu việt có thể tiếp độ chúng sinh về thiên giới, mà người thời ấy gọi là chư thiên, vì lẽ ấy nên Đức Phật gọi cha mẹ là chư thiên của con.

3 – Hồng danh thứ ba: Đức Phật gọi cha mẹ là vị tôn sư trước nhất, bởi cha mẹ là thầy tổ dạy con đủ mọi việc, từ đi, ăn, ngủ đến đạo lý luân thường, trước hơn tất cả các vị tôn sư sau này.

4 – Hồng danh thứ tư: Đức Phật gọi cha mẹ là bậc xứng đáng thọ nhận sự cúng dường, vì chỉ có cha mẹ đáng thọ nhận tất cả mọi vật của con đem đến dâng cúng.

Lòng thương và lo cho con của cha mẹ không bờ bến như thế, nên bổn phận làm con có phận sự phải phụng dưỡng cha mẹ cho tròn chữ hiếu. Người con nào không lo tròn hiếu trước, thì người ấy không phải là một người đáng làm bạn, mà cũng không xứng đáng làm chồng hay vợ, mà cũng không thể làm một người tốt.

Trong bài kinh Brahmasutta, Đức Thế Tôn có dạy rằng, cha mẹ là hai đấng có công ơn vô lượng vô biên đối với con. Nếu người con nào có hiếu thu phục năm châu bốn biển để cho cha mẹ cai trị, hưởng sự an lạc như thế, là cùng tột rồi, nhưng cũng chưa gọi là đáp đền được công ơn sinh thành dưỡng dục. Chỉ người ấy chỉ lo phần vật chất của cha mẹ thôi, hay có thể nói theo Phật giáo, chỉ lo cho cha mẹ kiếp hiện tại thôi. Phàm người con có hiếu thì phải cố gắng làm sao cho cha mẹ biết tu tập để giải thoát, hay làm sao cho cha mẹ có bốn pháp này trong tâm, nghĩa là thực hành bốn pháp:

1 – Saddhā (đức tin): nghĩa là tin Tam Bảo, tin nơi nghiệp.
2 – Cāga (bố thí): hay dứt bỏ, tức là dứt bỏ lòng tham lam, biết bố thí, cúng dường (để được hưởng phước trong ngày vị lai).
3 – Sīla (trì giới): là giữ cho thân, khẩu, được an tịnh, không phạm vào năm điều tội ác.
4 – Pañña (trí tuệ): nghĩa là trí tuệ để quan sát thấy thân này vô thường, khổ não và vô ngã, nghĩa là có minh sát tuệ để quán tưởng thấy chán ngán thân này, không còn quyến luyến thương tiếc mọi việc đời.

Nếu cha mẹ đã quá vãng thì bổn phận làm con nên cố gắng làm mọi việc lành, rồi hồi hướng đến cha mẹ hàng ngày. Người con nào làm được như thế mới gọi là con có hiếu và đáp đền được công ơn sinh dưỡng trời bể của cha mẹ.

Người nào có phước mới còn cha mẹ tại tiền. Người còn có cha mẹ tại tiền trong nhà, cũng như có chư thánh nhân trong nhà vậy. Đức Thế Tôn dạy rằng cha mẹ có thể sánh với chư thánh nhân, bởi vậy cúng dường đến cha mẹ có phước vô lượng vô biên, cũng như cúng dường cho các bậc Arahán vậy.

Phàm người biết công ơn cha mẹ thì phải lo cách đáp đền bằng vật chất và bằng tinh thần.

Đền đáp công ơn bằng vật chất phải thực hành những bổn phận là:
1 – Phải hết lòng cung kính cha mẹ, không bao giờ dám nói một lời nào vô lễ, làm trái ý.
2 – Phải lo phụng dưỡng cha mẹ, cung cấp vật thực, thuốc uống, áo quần và chỗ ở. Phải quạt nóng đắp lạnh, sớm thăm tối hỏi cha mẹ, cũng như khi ta còn nhỏ cha mẹ lo cho ta.
3 – Phải lo chăm nom săn sóc cha mẹ khi có bệnh.
4 – Phải bỏ việc gia đình của mình để làm việc cho cha mẹ trước, và không bao giờ nghĩ đến việc riêng của mình khi chưa làm xong công việc của cha mẹ.

Đền đáp công ơn cha mẹ về tinh thần là:
1 – Gắng hết sức giữ gìn thanh danh của gia đình, không để cho người đời khinh bỉ, hơn nữa gắng làm sao thanh danh của gia đình càng ngày càng được mọi người ca tụng.
2 – Gắng làm cho mình ra người đáng thọ hưởng gia tài của cha mẹ để lại.
3 – Khi cha mẹ ta không có đức tin với Tam Bảo, không thọ tam qui ngũ giới, tự mình cố gắng khuyên; nếu không được, thì gắng nhờ các bậc trí thức giảng giải hộ mình hoặc chư Tăng hay các bậc đại đức thuyết pháp độ cha mẹ.
4 – Ít nhất ta cũng phải làm sao thuyết phục được cha mẹ thọ tam qui ngũ giới.
5 – Dẫn dắt cha mẹ vào chùa nghe pháp, bố thí và học thiền minh sát.
Người làm tròn được những đều trên đây mới gọi là con biết yêu thương cha mẹ và báo đền được công ơn cha mẹ.

Phần người con biết đền đáp công ơn cha mẹ, thì được những sự hạnh phúc là:
1 – Không bị mất sự lợi ích.
2 – Sẽ được thoát khỏi những điều kinh sợ.
3 – Sẽ thoát khỏi được tất cả tai nạn.
4 – Sẽ được lợi lộc do các bậc trí thức hay vua chúa ban cho.
5 – Sẽ được quyền cao chức lớn.
6 – Nhận được sự ngợi khen của hàng đại chúng ở mọi nơi và mọi trường hợp.
7 – Sẽ thoát khỏi sự ám hại của kẻ bất lương.
8 – Khi có bị tai nạn cũng có chư thiên đến cứu.
9 – Sau khi chết được sinh về cõi trời.
10 – Sẽ có cơ hội đạt được đạo quả Niết Bàn.
11 – Đi theo con đường của chư Bồ tát và chư thánh nhân.

Người nào có phước mới còn cha mẹ tại tiền. Người còn có cha mẹ tại tiền trong nhà, cũng như có chư thánh nhân trong nhà vậy. Làm phận con phải gắng hết sức để phụng dưỡng cha mẹ, hãy gắng báo hiếu công dưỡng dục sinh thành của mẹ cha ngay khi Phụ Mẫu còn tại tiền, như thợ bắn cung vẫn nhìn thấy bia để ngắm mà bắn trúng, đừng đợi khi Bậc Phụ Mẫu đã khuất núi vào cõi hư vô rồi mới tìm cách báo hiếu thì có khác chi giương cung ngắm đích hư vô? biết cha mẹ ở cõi nào mà báo hiếu?

Đức Phật dạy: “Này các Tỳ khưu! Có hai người mà ta không thể nào đền ơn cho hết được, đó là Cha và Mẹ. Nếu có kẻ vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ, đi xa ngàn dặm, cung phụng đủ mọi thức ăn, đồ mặc, chăn nệm và thuốc thang, thậm chí cha mẹ có tiểu tiện, đại tiện trên vai đi nữa, cũng chưa trả được ân sâu cha mẹ. Ta phải biết, ân cha mẹ nặng lắm, bồng bế nuôi nấng, dưỡng dục đúng lúc, làm cho ta trưởng thành. Vì thế, mà biết ân đó khó trả. Do vậy, người con hiếu thảo muốn báo đáp công ơn cha mẹ đúng chánh pháp cần phải thực hành những việc sau đây:
– Nếu cha mẹ chưa có niềm tin, phải khuyết khích cha mẹ phát tâm tin tưởng tam bảo.
– Nếu cha mẹ bỏn xẻn, phải khuyết khích cha mẹ phát tâm bố thí.
– Nếu cha mẹ theo điều ác, phải khuyết khích cha mẹ hướng về đường thiện.
– Nếu cha mẹ theo tà kiến, phải khuyết khích cha mẹ trở về với chánh kiến.
Làm được như vậy là trả ơn cha mẹ đúng với chánh pháp, khiến cha mẹ không những được an vui trong hiện tại, mà còn gieo phước lành trong tương lai”.

Phụng dưỡng đầy đủ về vật chất đã tốt rồi. Nhưng nếu con cái có học Đạo của Đấng Từ Phụ mà về giảng giải duyên lành về vô thường – khổ – vô ngã cho cha mẹ hiểu thì đó mới là sự báo hiếu tròn đủ, để khi cha mẹ thanh thản lìa bỏ cõi tạm, ra đi mà vững tin nơi Tam Bảo, được con cái quây quần tụng Kinh hộ trì cho cha mẹ, cầu xin chư Thiên đến dắt tay cha mẹ đi cảnh tốt thì quý hóa biết nhường nào.

Mọi việc tang sự đã xong, nay con kính thỉnh chư Tôn đức Tăng Ni xin hãy hoan hỉ hồi hướng phước báu tu tập cho các Mẹ của con. Riêng phần con thì những phước thiện nào trong đời con đã từng tạo như hùn phước ấn tống Tam Tạng Kinh điển, phước thiện cung nghinh Tam Tạng dâng đến chư đại đức Tăng, bố thí, thọ trì Tam quy, giữ giới, nghe pháp, hành thiền, đón rước và hộ độ chư Đại Trưởng Lão… nay con xin thành tâm hồi hướng phần phước thiện thanh cao này đến tất cả chư thiên, nhất là chư thiên hộ trì Phật giáo, chư thiên hộ trì bản mệnh mỗi người chúng con, chư thiên hộ trì đường phố, chư thiên hộ trì nhà cửa, chư thiên hộ trì thành phố, chư thiên hộ trì quốc độ này, chư thiên hộ trì toàn thế giới, chư thiên ở cội cây, chư thiên ở trên mặt đất, chư thiên ở dưới nước, chư thiên ở trên hư không;
– Chư Tứ Ðại Thiên Vương gồm: đức vua Dhataraṭṭha, đức vua Viruḷhaka, đức vua Virūpakkha, đức vua Kuvera cùng tất cả chư thiên trong cõi Tứ đại thiên vương thiên.
– Ðức vua trời Sakka cùng tất cả chư thiên trong cõi Tam thập tam thiên.
– Ðức vua trời Suyāma cùng tất cả chư thiên trong cõi Dạ ma thiên.
– Ðức vua trời Santussita cùng tất cả chư thiên trong cõi Ðâu xuất đà thiên.
– Ðức vua trời Sunimmita cùng tất cả chư thiên trong cõi Hoá lạc thiên.
– Ðức vua trời Paranimmita cùng tất cả chư thiên trong cõi Tha hóa tự tại thiên. v.v….
Ngưỡng mong quý vị chư thiên hoan hỉ thọ hưởng phần phước thiện thanh cao này của chúng con đồng nhau cả thảy, làm cho tăng thêm sự an lạc lâu dài.
Và ngưỡng mong các Ngài mách bảo cho các bậc ân nhân đã quá vãng của chúng con từ kiếp hiện tại cho đến vô lượng kiếp trong quá khứ, nhất là cửu huyền thất tổ, ông bà, cha mẹ nội ngoại hai bên, cả những vong linh hữu danh vô vị, hoặc là hữu vị vô danh, những vị đang bị đọa trong hàng ngạ quỷ, nhất là vong linh của 2 Mẹ con là Mẹ Vũ Thị Nghi và Vũ Thị Bé vừa mới quá vãng. Xin quý Ngài mách bảo cho hương linh ông bà nội ngoại, các bác, cha con, anh trai và chị gái con hay biết để họ được đến đây hoan hỉ thọ hưởng phần phước thiện thanh cao này rồi được tăng trưởng phước thiện, được giải thoát khỏi mọi cảnh khổ, được sinh về cảnh giới an lành.

Và cầu xin các Ngài hộ trì cho tất cả chúng con cũng như thân bằng quyến thuộc hiện tiền như: ông bà, cha mẹ, thầy tổ, anh chị em, con cháu, bà con thân bằng quyến thuộc, bè bạn của con… Nhất là chư Tôn đức đang tu tập theo chánh Pháp của Đấng Đạo Sư. Cầu xin cho các vị ấy tránh được những điều rủi ro tai hại, cho được thành tựu những hạnh phúc: hạnh phúc cõi người, hạnh phúc cõi trời và hạnh phúc cao thượng Niết Bàn. Khiến cho tất cả sự khổ não, kinh sợ và bệnh hoạn thảy đều tiêu tan.

Con thành tâm hồi hướng phần phước thiện thanh cao này đến chúng sinh trong địa ngục, các hàng atula, các hàng ngạ quỷ, các loại súc sanh, đặc biệt đến chúa địa ngục Yāma. Mong quý vị hoan hỉ, thọ hưởng phần phước thiện thanh cao này của con đồng nhau cả thảy, cầu mong quý vị thoát khỏi cảnh khổ, được tái sinh nơi cõi thiện giới cho được an lạc.

Con xin thành tâm hồi hướng đến tất cả 4 loài chúng sinh luân hồi trong 31 cõi. Cầu mong tất cả chúng sinh hoan hỉ thọ hưởng phần phước báu thanh cao này của con đồng nhau cả thảy, cầu mong tất cả chúng sinh giải thoát mọi cảnh khổ, được an lạc lâu dài, tiến hóa trong mọi thiện pháp làm duyên lành trên con đường giải thoát khỏi khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.
Xin quý vị hoan hỉ phước thiện này đồng đều nhau cả thảy.

Do nhờ oai lực của tất cả các thiện pháp mà con đã có được, cầu mong cho tất cả các hạng chúng sinh hiểu đúng được lời dạy của Đấng Pháp Vương, là Pháp vốn đưa đến hạnh phúc Niết Bàn, chứng ngộ được Niết Bàn vô ưu, vô não và tối thượng thông qua con đường Bát Chánh Đạo trong sạch và an vui

Nguyện cho Chánh Pháp được trường tồn, nguyện cầu cho tất cả chúng sinh tôn kính Pháp, nguyện cho mưa thuận gió hòa.

Xin quý vị đồng thanh lời hoan hỉ:
Buddhasāsanaṃ ciraṃ tiṭṭhatu!
Nguyện cho Phật giáo được trường tồn!
Buddhasāsanaṃ ciraṃ tiṭṭhatu!
Nguyện cho Phật giáo được trường tồn!
Buddhasāsanaṃ ciraṃ tiṭṭhatu!
Nguyện cho Phật giáo được trường tồn!

Sādhu, Sādhu, Sādhu lành thay
Sādhu! Sādhu! Sādhu! Lành thay!
Sādhu! Sādhu! Sādhu! Lành thay!
Sādhu! Sādhu! Sādhu! Lành thay!

Đăng nhận xét