Chưa có nhận xét nào

BỐN NGUYÊN NHÂN KHIẾN ĐỨC BỒ TÁT XUẤT GIA

Đức Bồ-tát Siddhattha lên ngôi vua an hưởng sự an lạc trên ngai vàng thời gian trải qua 12 năm, chưa từng thấy cảnh nào để phát sinh động tâm (saṃvega). Đức Thái Thượng Hoàng Suddhodana muốn đức vua Siddhattha trở thành đức Chuyển Luân Thánh Vương, không muốn đức Bồ-tát đi xuất gia để trở thành đức Phật Chánh Đẳng Giác; cho nên, đức Thái Thượng Hoàng truyền lệnh cho các quân lính ngăn cấm người già, người bệnh, người chết và bậc xuất gia, phải xa cách không để cho đức vua Siddhattha nhìn thấy họ.

Một hôm, đức Bồ-tát bảo người hầu Channa rằng: “Hãy thắng cổ xe, ta sẽ đi dạo chơi vườn thượng uyển”.
– Vâng, thưa đại vương.

Chiếc xe của Ngài ngự đi được trang hoàng xinh đẹp như chiếc thiên xa của thần mặt trời, phía trước xe được cẩn nhiều loại ngọc quý, chiếc xe vững chắc với mọi bộ phận: Vành xe, căm xe, trục xe…, bốn con ngựa Sindhu thuần chủng được thắng vào ách xe, lông ngựa màu trắng bạch kim như ánh trăng hoặc giống như cánh sen trắng, sức phi của ngựa nhanh như chim đại bàng đang soãi cánh giữa hư không.
Đức Bồ-tát như vị thiên tử ngự lên cỗ thiên xa đi du ngoạn, trên đường đi Ngài thấy thành Kapilavatthu xinh đẹp như cảnh giới chư thiên, trai thanh gái lịch dập dìu vui vẻ, trông thấy quang cảnh thanh lịch ấy, tâm vị Đại-sĩ vô cùng hoan hỷ hài lòng.

*CẢNH ĐỘNG TÂM THỨ NHẤT: SỰ GIÀ

Các vị thiên nhân suy nghĩ rằng “thời gian không còn dài nữa, chúng ta hãy nhắc nhở đấng Đại-sĩ ra đi tìm đạo giải thoát”. Và một vị thiên tử hóa thành một người già lọm khọm, tóc bạc trắng, răng rụng, gầy yếu đang run rẩy bước đi từng bước ở một khúc quanh phía trước cỗ xe của đấng Đại-sĩ. Bồ-tát trông thấy hình ảnh này, ngạc nhiên Ngài hỏi người hầu Channa rằng:
“Ayaṃ pana samma sāratthi puriso kiṃ kato? Kesā pi’ssa na yathā aññesaṃ, kāyo pi’ssa na yathā aññesanti?”
Này con người ấy là ai vậy? Sao tóc người ấy không giống người khác, sao thân người ấy không giống thân các người khác?
– Thưa Đại vương, đó là một người già.
– Vì sao lại gọi là người già?
– Thưa Đại vương, vì người này không còn sống được bao lâu nữa.
– Vậy ta có bị già không? Một người chưa quá tuổi già?
– Thưa Đại vương, Đại vương và cả con nữa, chúng ta sẽ phải già, dầu chúng ta chưa quá tuổi già.
– Thôi vừa đủ rồi. Chúng ta hãy quay lại hoàng cung.

Đức Bồ-tát hồi cung với tâm trạng sầu ảo não, Ngài suy gẫm “vì sao có sự già?”, Ngài chợt hiểu “vì có sự sinh”, Ngài than rằng “Ôi, phiền muộn thay sự sinh. Vì ai sinh ra cũng phải già yếu”.

Thái Thượng Hoàng Suddhodana cho gọi người hầu Channa đến hỏi:
– Này con, Thái tử đi du ngoạn trong vườn thượng uyển có vui không?
– Thưa Đại vương, Thái tử không vui khi đi du ngoạn trong vườn thượng uyển.
– Vì sao vậy?
– Thái tử đã trông thấy một người già, nên Ngài không thấy vui thích.

Vua Suddhodana suy nghĩ “không thể để Thái tử đi xuất gia, không thể để lời tiên đoán của các vị Bà-la-môn trở thành sự thật”.
Và vua Suddhodana tăng cường người canh gác, đồng thời tăng cường thêm năm món dục lạc (sắc, thinh, hương, vị và xúc) để kìm giữ đức Bồ-tát.

*CẢNH ĐỘNG TÂM THỨ NHÌ: SỰ BỆNH

Trải qua bốn tháng tạm khuây khỏa ưu tư với sự già do bị vây hãm trong 5 dục lạc. Thế rồi, Bồ-tát muốn đi du ngoạn trong vườn thượng uyển tương tự như lần trước, nhưng lần này vị chư thiên hoá hiện ra một người bệnh đang nằm rên la.
Đức Bồ-tát trông thấy liền hỏi Channa:
“Ayaṃ pana samma sāratthi puriso kiṃ kato, akkhīni pi’ssa na yathā aññesaṃ saro pi’ssa na yathā aññesan ti?”
Này con người này là gì mà mắt không giống mắt người khác, giọng nói không giống giọng người khác?
– Thưa Đại vương, đó là người bệnh.
– Này con, vì sao gọi là người bệnh.
– Thưa Đại vương, người này đang vị một chứng bệnh hành hạ cơ thể, khiến phải quặn đau, hiện người này chưa thoát khỏi chứng bệnh ấy, nên gọi là nngười bệnh.
– Vậy ta có phải bị bệnh không?
– Thưa Đại vương, Ngài cả con hay tất cả mọi người đều phải bị bệnh, dù hiện nay Ngài chưa bị bệnh, nhưng rồi sẽ bị bệnh.
– Thôi đủ rồi, này Channa, chúng ta hãy quay về.

Bồ Tát trở về cung với tâm trạng sầu não, Ngài suy gẫm “vì sao có bệnh?” và Ngài hiểu rằng “vì có già nên có bệnh”.
Khi biết Bồ-tát không vui khi thấy người bệnh. Đức vua Suddhodana lo âu, nghĩ “Ta sẽ không cho lời tiên đoán của tám vị Bà-la-môn trở thành sự thật” nên đức vua cho tăng cường người canh giữ, không cho “người già, người bệnh hay vị Samôn đến gần hoàng cung”, đồng thời tăng cường thêm trai gái xinh đẹp để phục vụ Bồ-tát, kìm trói Bồ-tát trong vòng dục lạc.

*CẢNH ĐỘNG TÂM THỨ BA: SỰ CHẾT

Trải qua bốn tháng tạm quên mối ưu tư về già, bệnh, Bồ-tát lại truyền người hầu Channa thắng cỗ xe xinh đẹp như thiên xa của mình, để đi du ngoạn trong vườn thượng uyển.
Lần này, vị chư thiên hóa hiện một đám đông mặc y phục nhiều màu khác nhau, đang khiêng 1 tử thi đi hỏa táng. Khi thấy cảnh chưa bao giờ được nhìn thấy, Đức Bồ-tát hỏi người hầu Channa:
– Này Channa, họ khiêng cái gì đi đâu vậy?
– Thưa Đại vương, vì có một người vừa chết. Đám đông khiêng người chết đến đài hỏa táng để thiêu xác.
– Này Channa, vì sao gọi là “người chết?
– Thưa Đại vương, gọi là “người chết”, vì cha, mẹ, thân quyến hay bạn hữu không còn nhìn thấy người ấy nữa. Và người ấy cũng không còn nhìn thấy cha, mẹ, thân tộc, bạn hữu nữa.
– Này Channa, Vậy ta chưa chết rồi có phải chết không? Cha và mẹ ta có chết không?
– Thưa Đại vương, Ngài cả con cùng Đức vua, hoàng hậu .. tất cả đều phải chết. Một ngày nào đó Ngài không còn trông thấy cha, mẹ, thân tộc cũng như bạn hữu và cha mẹ, thân tộc, bạn hữu cũng không thấy Ngài, khi ấy gọi là “Đại vương đã chết”.
– Vậy là vừa đủ rồi, này Channa hãy quay lại hoàng cung.

Tuy người hầu Channa giải thích về 3 hiện tượng “già – bệnh – chết” theo khả năng hiểu biết của mình, không giải thích từ đâu có “già, bệnh, chết”, nhưng với trí tuệ sắp chín muồi của vị Bồ-tát Chánh Giác, Ngài hiểu rằng “là do có sự sinh”. Khi trở về hoàng cung , Ngài suy gẫm “đáng ghê sợ thay cho sự sinh, vì ai sinh ra cũng phải già, cũng phải bệnh, cũng phải chết”.
Và Ngài hiểu rộng rãi rằng “khi sự sinh hiện khởi, cái hình thành gọi là bị sinh”. Cái gì là “bị sinh”?
Ngũ uẩn là “bị sinh”, vợ con là bị sinh, tôi trai, tớ gái là bị sinh, tài sản là bị sinh …, tương tự như thế với “bị già, bị bệnh và bị chết”.
Người không suy gẫm “ta phải bị già”, khi thấy người khác “già yếu lọm khọm” sẽ sinh khởi sự chê bai, khinh bỉ, nhờm gớm người già ấy.
Nhưng khi suy gẫm “ta phải bị già”, thì sẽ không còn chê bai, khinh chán, gớm ghê người già, nhờ đó trừ diệt được “kiêu mạn về tuổi trẻ”.
Người không suy gẫm “ta phải bị bệnh”, khi thấy người khác bệnh tật, sẽ sinh khởi nhàm chán, khinh bỉ, gớm ghê “người bệnh”.
Nhưng khi suy gẫm “ta phải bị bệnh”, thậm chí căn bệnh mà ta vướng phải, còn hiểm nghèo hơn, tồi tệ hơn căn bệnh mà ta trông thấy, thì sẽ không còn khinh chán, ghê tởm “người bệnh”, nhờ đó diệt trừ được “kiêu mạn về không bệnh”.
Người không suy gẫm “ta phải bị chết”, khi thấy người khác chết sẽ sinh khởi nhàm chán, khinh bỉ, gớm ghê, sợ hãi “người chết”.
Nhưng khi suy gẫm “ta phải bị chết”, thì sẽ không còn khinh chê, chán ghét, ghê sợ “người chết”, nhờ đó diệt trừ được “kiêu mạn của sự sống”.
Như Đức Phật dạy: “Kẻ vô văn phàm phu tự mình bị già, không thể vượt qua bị già; khi thấy người khác bị già, lại bực phiền, hổ thẹn, ghê tởm (aṭṭiyati, harāyati, jigucchati), quên rằng “mình cũng như vậy” (attānaṃ yeva atisitvā).
Ta cũng bị già, không vượt qua khỏi già, sau khi thấy người khác bị già, ta có thể khởi lên bực phiền, hổ thẹn, ghê tởm sao?. Như vậy, thật không xứng đáng cho ta”.
Này các Tỳ-khưu, sau khi quán sát về ta như vậy, sự kiêu mạn trong tuổi trẻ được đoạn trừ” (Kinh Sukhumālosuttaṃ )
Tương tự như thế với “kiêu mạn về vô bệnh; kiêu mạn về sự sống”.
Ba hiện tượng “già, bệnh, chết” làm chấn động tâm Bồ-tát, khiến Ngài hướng tâm tầm cầu cái “không sinh, không già, không bệnh, không chết”, gọi là “sự tầm cầu của bậc Thánh”.
Ba hiện tượng ấy gọi là “ sự chấn động tâm” (saṃvegacitta). Vì sao gọi là “ sự chấn động tâm”, vì khiến tâm bậc Đại sĩ sẽ “kinh sợ sự sinh – già – bệnh – chết” trong tương lai, như:
Gọi là “sự chấn động tâm” là: Sinh, già, bệnh, chết.
Và “Chấn động tâm” là kinh sợ sự sinh, kinh sợ sự già, kinh sợ sự bệnh, kinh sợ sự chết”.
Nhưng không phải là “kinh sợ do tâm sân” mà “kinh sợ viễn cảnh trong tương lai”, ví như người thấy lửa đang cháy, e ngại lửa sẽ cháy lan đến nhà của mình, người ấy lo phòng bị trước.
Đó là sự kinh cảm phát sinh do trí, nghĩa là “trí thấy rằng: “Sự sinh là mối nguy hại đáng sợ” (jātibhaya); “sự già là mối nguy hại đáng sợ” (jarābhaya); “sự bệnh là mối nguy hại đáng sợ” (byādhibhaya); “sự chết là mối nguy hại đáng sợ” (maraṇabhaya). Nhưng đấng Đại-sĩ chưa tìm ra phương án nào để thoát khỏi “sinh, già, bệnh, chết”.
Vua Suddhodana khi biết được sự kiện này, lại tăng cường quân canh gác đồng thời tăng cường “năm dục lạc” cho Bồ-tát hưởng thụ.

*CẢNH ĐỘNG TÂM THỨ TƯ: SỰ XUẤT GIA

Bị vây hãm trong vòng đai dục lạc, sự chấn động tâm về sự chết có phần phai nhạt. Bốn tháng lại trôi qua, vào ngày 15 tháng Āsāḷha (tháng 6 âm lịch), Đức Bồ-tát lại ngự lên cỗ xe thù thắng đến vườn thượng uyển du ngoạn.
Trên đường đi Ngài thấy 1 vị Sa-môn do chư thiên hóa hiện, Ngài hỏi người hầu Channa rằng:
– Này Channa, người đó là ai mà đầu khác với người khác, y phục cũng khác với người khác vậy.
– Thưa Đại vương, đó là “bậc xuất gia” (pabbajito).
– Này Channa, vì sao gọi là “bậc xuất gia?”.
– Thưa Đại vương, vị sa-môn là người từ bỏ gia đình, sống đời sống không gia đình để thực hành pháp, tu tập pháp, khéo thực hành những thiện pháp, có lòng từ mẫn đối với chúng sinh, không làm hại đến chúng sinh khác.
(tuy Channa không có kiến thức về bậc xuất gia cùng với những hạnh lành của bậc Sa môn, vì những “hạnh lành của bậc Sa môn” được Đức Thế Tôn thuyết giảng sau này. Nhưng Channa nói lên được là do “tác động của chư thiên”).
Nghe lời giải thích tóm tắt về hạnh “xuất gia”, Bồ-tát hoan hỷ nghĩ rằng “lành thay, lành thay, bậc xuất gia”.
Đức Bồ-tát đến gần vị Sa-môn, Ngài hỏi vị Sa-môn rằng:
– Này người, người đã thực hiện những gì mà đầu của người không giống đầu người khác, y phục của người không giống y phục người khác?
– Thưa Đại Vương, tôi là người được gọi là “bậc xuất gia”, vì tôi lìa bỏ gia đình, sống không gia đình để thực hành pháp, tu tập pháp và có lòng từ mẫn với tất cả chúng sinh, không làm hại bất kỳ chúng sinh nào. Tôi xuất gia để tu tập những pháp để đưa đến giải thoát.
– Lành thay, lành thay, hạnh xuất gia. Ngài là bậc đáng ngưỡng mộ, đáng được kính trọng.

Chữ giải thoát đã đánh thức tâm vị Đại-sĩ, Ngài như chợt nhớ lại một điều gì đã quên lãng, tâm trạng Ngài trở nên hân hoan như tìm lại được vật quý đã bị thất lạc.
(Hình ảnh vị Sa-môn không phải là sự chấn động tâm mà là sự sách tấn tâm Bồ-tát, thúc đẩy Ngài dấn thân lên đường tầm cầu pháp thoát ra già, bệnh, chết, hiện tướng này được gọi là “tinh cần tướng” – Padhānanimitta hay “nền tảng tướng”, là phải buông bỏ tất cả mới đạt đến trạng thái vô sinh bất tử).

Cả bốn hiện tướng: “Già, bệnh, chết và xuất gia” là do vị chư thiên hóa hiện, chỉ có Bồ-tát và người hầu Channa trông thấy, những người khác không nhìn thấy.

Với tâm hân hoan, Bồ-tát đi vào vườn thượng uyển, Ngài vui chơi thỏa thích như người vừa tìm ra cách giải quyết được một vấn đề hệ trọng”, tâm ý Ngài đã “quyết định xuất gia trong đêm nay”.
Vào lúc xế chiều, Ngài ngồi an nhàn trên tảng đá hạnh phúc (maṅgalasilā), Ngài khởi ý thay đổi y phục.
Như ngẫu nhiên, một người thợ cạo mang đến cho Ngài bộ y phục mới, thật ra chính vua trời Đế-Thích hiểu được ý muốn của Bồ-tát, đã sai vị Thiên tử Visukamma mang bộ y phục chư thiên đến dâng cho Bồ-tát, đồng thời trang điểm cho vị Bồ-tát thật xinh đẹp. Y phục chư thiên này ngầm ý bảo vệ Ngài không rơi trở lại dục lạc nhân loại.
Trên không trung những thiên thần âm nhạc gảy lên những điệu nhạc vui tươi chúc mừng, tiếng nhạc len theo gió chiều vọng đến tai vị Đại-sĩ.

Bấy giờ Hoàng cung đang rộn rã tin vui “Hoàng hậu Yasodharā vừa hạ sinh một hoàng nam”, vua cha cho người báo tin vui đến Bồ-tát. Nghe tin ấy, một kinh cảm trí (saṃvegañāṇa) lại khởi lên trong tâm Ngài rằng: “Asura Rāhu, người muốn giam cầm ta như kẻ nô lệ đã sinh ra, một dây trói buộc lớn đã ra đời”, bất giác Ngài cảm thán thốt lên “Rāhula đã sinh ra, một trói buộc vừa sinh ra”.
Đức vua cha hỏi người báo tin rằng: “ Con trai ta đã nói gì?”, người báo tin đã thuật lại lời Bồ-tát. Do đó vào ngày lễ đặt tên, vị thái tử vừa sinh ra có tên là Rāhula và Hoàng hậu Yasodharā có thêm tên gọi là “mẹ Rāhula” (Rāhulamātā). Vua cha Suddhodana vui mừng, cho rằng: “Thái tử bị trói buộc rồi, thì không còn ý muốn xuất gia nữa”, Đức vua cho tổ chức lễ hội vui chơi.
Sau khi mặc y phục chư thiên, Đức Bồ-tát lên cỗ xe thù thắng quay về Hoàng cung với quyết tâm ngay tối hôm đó sẽ rời cung để xuất gia tầm cầu giải thoát.

Tuệ Ân tổng hợp

Đăng nhận xét