Chưa có nhận xét nào

30 THÔNG LỆ CỦA ĐỨC PHẬT CHÁNH ĐẲNG GIÁC

1 – Đều có sự ghi nhớ (sati – niệm) cả ba thời kỳ: Nhập thai bào, trú trong thai bào và xuất khỏi thai bào.

2 – Khi trú trong thai bào, Ngài tọa thiền trong tư thế kiết già, mặt day ra phía trước bụng mẹ.

3 – Đức Bồ Tát duỗi thằng hai chân như vị pháp sư bước xuống pháp tọa ra khỏi thai bào trong khi mẹ Ngài đang đứng.

4 – Ngài sinh ra ở biên giới.

5 – Vừa ra khỏi thai bào, Đức Bồ Tát mặt hướng về phương Bắc, đi 7 bước nhìn bốn phương, nói lên kệ ngôn:
“Aggo’haṃ asmi lokassa,
Jeṭṭho’haṃ asmi lokassa,
Seṭṭho haṃ asmi lokassa.
Ayaṃantimā jāti,
Natthi dāni punabbhavo:
Ta là Bậc cao cả nhất, trong toàn cõi thế giới chúng sinh!
Ta là Bậc vĩ đại nhất, trong toàn cõi thế giới chúng sinh!
Ta là Bậc Tối Thượng nhất, trong toàn cõi thế giới chúng sinh!
Kiếp này là kiếp chót của ta
Ta không còn tái sinh kiếp nào khác nữa!

6 – Trước khi xuất gia, Đức Bồ Tát gặp 4 hiện tượng: Già – Bệnh – Chết và vị Samôn, đồng thời có được con trai đầu lòng.

7 – Đức Bồ Tát trước khi chứng đắc quả vị Phật Chánh Đẳng Giác, phải thực hành khổ hạnh ít nhất là 7 ngày, nhiều nhất là 7 năm. Cụ thể như sau:

* Trước khi thành Phật Chánh Giác, các vị Bồ Tát Dīpaṅkara, Koṇḍañña, Sumana, Anomadassī, Sujāta, Siddhattha, Kakusandha thực hành khổ hạnh là 10 tháng.

* Các vị Bồ Tát Maṅgala, Sumedha, Tissa, Sikhī thực hành khổ hạnh khoảng 8 tháng, mới chứng đắc quả Chánh Đẳng Giác.

* Bồ Tát Revata khổ hạnh 7 tháng.

* Các vị Bồ Tát Piyadassī, Phussa, Vessabhū, Konāgamana thực hành khổ hạnh 6 tháng.

* Bồ Tát Sobhita khổ hạnh 4 tháng.

* Các vị Bồ Tát Paduma, Atthadassī, Vipassī hành khổ hạnh một tháng rưỡi.

* Các vị Bồ tát Nārada, Padumuttara, Dhammadasī, Kassapa hành khổ hạnh chỉ 7 ngày.

* Bồ Tát Siddhatha khổ hạnh suốt 6 năm.

Tương truyền Đức Bồ Tát Metteyya trong vị lai, Ngài chỉ hành khổ hạnh 7 ngày.

8 – Trước khi đắc Vô thượng Chánh Giác, Đức Bồ Tát thọ dụng cơm sữa.

9 – Đức Bồ Tát phát nguyện rằng cỏ nhung hóa thành bồ đoàn để Ngài an ngự trên đó.

10 – Đức Bồ Tát thực hành đề mục niệm hơi thở để chứng quả Vô thượng Chánh Giác.

11 – Đức Bồ Tát chiến thắng Ma vương cùng binh tướng của Ma vương bằng 30 pháp Ba La Mật, nhất là pháp bố thí.

12 – Đức Bồ Tát đắc Tam minh rồi chứng quả Vô thượng Chánh Giác

13 – Đức Bồ Tát chứng quả Vô thượng Chánh Giác vào rạng sáng và ở gần cội Bồ đề 7 nơi, mỗi nơi 7 ngày.

14 – Thành Phật rồi, Ngài có ý không giảng pháp, vị Đại Phạm thiên cung thỉnh giảng pháp và Đức Phật im lặng nhận lời.

15 – Bài pháp đầu tiên được Ngài thuyết giảng nơi vườn Lộc Uyển, gọi là “Chuyển pháp luân”.

Trong thời Đức Phật Gotama vùng đất này có tên gọi là “Lộc Uyển”, trong thời chư Phật quá khứ, có thể có tên gọi khác.

Tuy nhiên, cũng chính tại vùng đất này, 3 vị Phật quá khứ đã giảng bài pháp đầu tiên. Tương truyền “đó là nơi có cụm sen trong thời Sơ kiếp”.

16 – Các Đức Phật Chánh Giác đều có ít nhất một lần Đại hội Thánh Tăng.

Điều kiện để gọi Đại hội Thánh Tăng là:

– Vào ngày trăng tròn tháng Māgha (tháng giêng).
– Tất cả chư Thánh Tăng không mời, đồng nhau tụ hội lại.
– Tất cả đều xuất gia bằng cách “Ehi bhikkhu” (hãy đến đây, này Tỳ khưu).*
– Tất cả chư Tăng đều là Arahán lục thông.

Tùy theo số lượng chư Tăng có mặt được gọi là “Tăng hội” của Đức Thế Tôn ấy.

Theo Kinh Mahāpadānasuttanta trong Trường bộ kinh III thì:

*Đức Thế Tôn Vipassī có 3 Tăng hội: Một Tăng hội có 68 ngàn vị Tỳ khưu, một Tăng hội có 100 ngàn vị Tỳ khưu, một Tăng hội có 70 ngàn vị Tỳ khưu.
*Đức Thế Tôn Sikhī có 3 Tăng hội: 100. ngàn vị Tỳ khưu, 80 ngàn vị Tỳ khưu và 70 ngàn vị Tỳ khưu.
*Đức Thế Tôn Vessabhū có ba Tăng hội: 80 ngàn vị Tỳ khưu, 70 ngàn vị Tỳ khưu, 60 ngàn vị Tỳ khưu.
*Đức Thế Tôn Kakusandha có 1 Tăng hội là 40 ngàn vị Tỳ khưu.
*Đức Thế Tôn Konāgamana có một Tăng hội là 30 ngàn vị Tỳ khưu.
*Đức Thế Tôn Kassapa có một Tăng hội là 20 ngàn vị Tỳ khưu.
*Đức Thế Tôn Gotama có một Tăng hội là 1250 vị Tỳ khưu

17 – Chư Phật luôn có ngôi chùa như trú xứ chính (như Đức Thế Tôn Gotama có ngôi Đại tự Jetavanavihāra – Kỳ Viên tịnh xá).

18 – Chư Phật có một lần thể hiện Song thông lực để hàng phục ngoại đạo.

19 – Chư Phật luôn đền đáp công ân thân mẫu (trong kiếp chót ấy) bằng Tạng Thắng pháp (Abhidhamma).

20 – Thuyết xong Tạng Thắng Pháp, Đức Phật ngự về nhân giới bằng chiếc thang ngọc.

21 – Mỗi đêm Đức Chánh giác đều an trú tâm trong thiền tịnh (vào đầu canh 2 của đêm).

22 – Vào lúc gần sáng (cuối canh ba) Ngài quán xét duyên lành của chúng sinh 2 lần: Lần 1 quán xét về duyên lành, lần 2 quán xét về cơ tánh của chúng sinh ấy.

23 – Khi có nguyên nhân chính đáng, Ngài mới chế định học giới.

24 – Chư Phật chỉ thuyết lên Bổn sự khi thích hợp.

25 – Khi thân tộc tụ hội đầy đủ, Đức Chánh Giác thuyết lên Phật tông (Buddhavaṃsa).

26 – Ngài luôn sách tấn, khích lệ đệ tử từ phương xa về, bằng pháp thoại thích hợp.

27- Khi được cung thỉnh an cư mùa mưa, Chư Phật chưa từ giã thí chủ thì chưa ra đi.

28 – Chư Phật không xao lãng 5 phận sự thường nhật, là:
– Buổi sáng Ngài đi trì bình khất thực (pubbaṇhe piṇḍapātaṃ).
– Xế chiều Ngài thuyết pháp đến hàng tại gia (sāyaṇhe dhammadesanaṃ).
– Chiều tối Ngài ban huấn từ đến chư Tỳ khưu (padose bhikkhu ovādaṃ).
– Nửa đêm Ngài trả lời các câu hỏi của chư thiên (aḍḍharatte devapañhānaṃ).
– Gần sáng Ngài quán xét chúng sinh có duyên lành, để Ngài ngự đi tế độ (paccūseva gate kāle bhabbābhabbe).

29 – Trước khi tịch diệt Niết-Bàn, Ngài sẽ dùng bữa cơm có món thịt.

30 – Trước khi tịch diệt Niết-Bàn, Ngài nhập xuôi ngược 2 triệu bốn trăn ngàn lần thiền (Từ Sơ định đến Diệt thọ tưởng định, xuất Diệt thọ tưởng định, nhập ngược từ Phi tưởng phi phi tưởng xứ định đến Sơ thiền, được kể là 1 lần).

Đây là 30 thông lệ của chư Phật Chánh Đẳng Giác.

Đăng nhận xét