Một ngày mới của tôi bắt đầu lúc 4h50′ sáng. Khi chuông báo thức reo, vẫn còn đang trong tư thế nằm, việc đầu tiên khởi lên trong tâm thức tôi là niệm hồng danh 9 Ân đức Phật, 6 Ân đức Pháp, 9 Ân đức Tăng và tụng bài Kệ An Lành.
Sau khi vệ sinh cá nhân xong, tôi chuẩn bị cho việc hành lễ buổi sáng gồm thay nước, xông trầm cúng dường Tam Bảo.
Nghi lễ bắt đầu bằng việc đảnh lễ Tam Bảo, sám hối Okāsa, lễ bái Tam Bảo, xin Tam Quy, Ngũ Giới/Bát Giới, tụng 1 thời Kinh Paritta sau đó rải tâm từ đến các hạng chúng sinh. Sau khi phát nguyện cúng dường Đức Phật phần danh sắc của mình, tôi bắt đầu hành thiền theo phương pháp quán niệm hơi thở Anapanasatti.
Khi ngồi thiền, tôi thường giữ lưng thẳng nhưng thư thả, nhẹ nhàng, tư thế thăng bằng, không căng thẳng. Đầu giữ thẳng, cân bằng trên vai, mặt hướng về tượng Đức Phật, mắt nhắm lại để dễ trú tâm vào đề mục. Về tư thế ngồi hành thiền thì nhiều người hay ngồi ngay trên sàn nhà, theo tư thế kiết già hay bán kiết già như ta thường thấy qua các tượng Phật, và họ cho rằng đó là tư thế tốt nhất. Riêng phần tôi, vì không thể ngồi kiết già nên tôi thường ngồi trên một tọa cụ, lúc thì xếp bằng chân theo kiểu bán già, hoặc tư thế hai chân đặt chân trước chân sau song song cùng 1 bên. Tư thế đó cũng tạo được ba điểm tựa vững chắc để nâng đỡ thân thể, với bàn tọa đặt trên gối nệm và hai đầu gối chạm mặt đất. Với hai tay nhẹ nhàng đặt trên đùi, bàn tay để chồng lên nhau, tay phải ở trên, hai đầu ngón cái phải trên trái dưới, sau khi ổn định tư thế thì tôi bắt đầu hành thiền. Bước đầu của việc hành thiền là theo dõi hơi thở. Thở tự nhiên, điều hòa, bình thường, không cố ý ép thở nhanh hoặc chậm, dài hay ngắn. Chú ý để tâm nơi lỗ mũi, theo dõi hơi thở vào… ra… vào… ra… Chú tâm đến luồng hơi khi nó vừa đến chạm lỗ mũi, và khi luồng hơi khi sắp sửa thoát ra khỏi mũi. Với chánh niệm, tôi thường gắng ghi nhận sự xúc chạm ở ngay đầu lỗ mũi. Giống như lời dạy của các bậc Thiền sư rằng ta hãy chú ý ghi nhận tất cả nhưng không phân tích, bình luận hay giải thích gì hết. Chỉ đơn thuần là một sự ghi nhận. Dần dần tôi thấy hơi thở trở nên nhu nhuyễn, nhẹ nhàng hơn, thậm chí có cảm giác là dường như không còn thở nữa. Nghĩa là hơi thở đã được an tĩnh và cảm giác trở nên rất dễ chịu. Lúc đó, cảm giác ta như tan biến, chỉ có một hơi thở đang xảy ra, và một sự nhận biết, ghi nhận, theo dõi hơi thở đó. Việc bám sát vào đề mục trong thời gian dài có thể giúp cho công phu hành thiền tiến triển tốt đẹp. Với phương pháp hành thiền quán niệm hơi thở Anapanasati, tôi có thể quán sát, ghi nhận từng hơi thở, diễn trình của luồng hơi, từ lúc sinh khởi cho đến khi tận diệt. Khi nó đi vào cũng như đi ra. Mỗi một hơi thở là một hiện tượng mới lạ, một cảm giác mới lạ. tôi cứ ghi nhận, theo dõi, rồi buông bỏ khi nó tàn diệt. Rồi tiếp tục ghi nhận hơi thở khác, mới vừa sinh khởi. Tôi thường gắng chánh niệm quan sát quá trình sinh diệt của hơi thở và chỉ dừng lại ở mức độ quan sát và ghi nhận mà thôi. Tôi quan niệm tâm mình khi mới hành thiền sẽ giống như 1 mặt hồ nước, sóng gợn lao xao về các hướng, khi ta chú tâm vào 1 điểm thì dần dần sẽ hồ lặng, gió yên. Khi tâm mình đã tĩnh thì mặt hồ mới phẳng lặng và an ổn được.
Theo lời chỉ dạy của các Thiền sư, khi mới tập hành thiền, tôi tập ngồi thiền khoảng 15 phút. Rồi gia tăng dần thêm 5, 10 phút trong các tuần lễ kế tiếp, cho đến khi tôi có thể hành thiền trong khoảng 30 đến 45 phút. Để ấn định thời gian hành thiền, có người thắp một nén nhang và ngồi thiền cho đến khi cây nhang tàn rụi. Tôi thì đặt đồng hồ rung để báo hiệu đến khi quen với thời gian định sẵn thì mới bỏ đồng hồ báo giờ. Trong lúc hành thiền, tâm ta thường như 1 chú khỉ luôn ngọ ngoạy, lang bang, từ suy nghĩ vẩn vơ, rồi nhiều hiện tượng xuất hiện trong đầu. Đó là điều rất tự nhiên mà hành giả nào cũng phải trải qua. Tôi thường gắng nhận biết chúng, rồi quay về với đề mục hành thiền là quán niệm hơi thở tại lỗ mũi.
Trong cuốn Pháp môn niệm Ân Đức Phật, ngài Hộ Pháp dạy rằng nếu thấy gặp trở ngại trong việc định tâm, ta có thể quán niệm Ân đức Phật như 1 cách dễ dàng đạt sự định tâm. Khi ta chánh niệm niệm thầm ở trong tâm nhiều lần theo luồng hơi thở bằng cách hít vào thì thầm niệm là “Bud” thở ra là “dho” cứ niệm Buddho… Buddho…” như vậy với mong muốn định tâm an trú nơi Ân đức Phật, khi tâm đã tương đối định rồi thì tôi bỏ pháp niệm đó để trở về đề mục chính là quan sát hơi thở vào ra tại lỗ mũi.
Khi hành thiền buổi sáng thì không gian rất tĩnh lặng, thích hợp với việc hành thiền. Nhưng chính sự yên tĩnh đó vẫn làm cho tôi bị phóng tâm, suy nghĩ vẩn vơ hay rơi vào trạng thái buồn ngủ Tôi hiểu đó là những trở ngại thông thường mà hành giả đều phải đối diện và nhận biết nên không bi quan, nản chí, hay nóng nảy, buồn giận mà tập kiên nhẫn và tỉnh giác để rèn luyện tâm ý. Việc thực tập đều đặn đề mục quán niệm hơi thở đã dần mang lại những tiến bộ không ngờ cho bản thân tôi. Tô thường thiền định chừng 20′ sau đó chuyển sang quán cảm thọ, vì trong khi hành thiền, do ngồi quá lâu trong 1 tư thế, nếu thọ khổ khởi lên tôi thường chánh niệm quan sát cảm thọ, ghi nhận cảm thọ đó từ khi sinh khởi đến lúc biến diệt, như cách ta chủ động nhỏ 1 giọt nước xuống mặt hồ tĩnh lặng của ta, rồi quan sát từng vòng tròn lan ra trên mặt rồi và biết mất để quán sát được sự sinh diệt của cảm thọ. Khi thấy không kham nhẫn được thì tôi sẽ từ từ thay đổi oai nghi thiền trong chánh niệm.
Trong lúc hành thiền, để giữ được sự an lạc, tôi thường tập cười mỉm, giống như nụ cười hiền hoà như thường thấy ở Đức Phật. Khép nhẹ đôi mắt, tôi ghi nhận cảm giác của toàn thân, từ đỉnh đầu xuống đến bàn chân, ghi nhận tư thế ngồi vững vàng, thoải mái. Rồi tự nhủ thầm: “Bây giờ, tôi sẽ bắt đầu hành thiền, chú tâm vào hành thiền, không quan tâm đến việc gì khác”.
Sau khi quán niệm hơi thở và quán cảm thọ, tôi chuyển sang quán niệm rải tâm từ. Vẫn tư thế ngồi an tịnh, với nụ cười mỉm trên môi, với tâm tỉnh giác và buông xả, tôi thầm nguyện trong tâm: “Xin cho tôi được an lạc”. Với niềm vui nhẹ nhàng đó, tôi đưa tâm ghi nhận từng nơi trên thân thể, từ đỉnh đầu đến mặt, hai vai, hai tay, ngực, bụng, bắp đùi, rồi bàn chân. Thông thường, khi làm như thế, tôi thấy có một cảm giác ấm áp, an nhẹ bao trùm toàn thân thể. Với cảm giác an bình như thế, tôi bắt đầu hướng tâm đến những người thân, nguyện cho họ được an lạc. Rồi hướng tâm đến các bậc sinh thành, vợ cùng các con, đến chư Tăng Ni, đến bạn hữu, những người quen, có ân oan và không oan trái đang sống quanh mình, tại thành phố này, tại đất nước này, trên thế giới này, và dần hướng tâm từ đến toàn thể nhân loại, toàn thể chúng sinh đang luân hồi trong tam giới này. Mỗi lần chuyển đối tượng, tôi dừng lại vài phút, nghĩ đến đối tượng đó với cảm giác nồng ấm, an lạc, và nguyện cho họ cũng được an lạc như thế.
Vẫn trong oai nghi ngồi đó, tôi thành kính hướng về tượng và tháp Xá-lợi của đức Phật, tạ ơn Ngài đã chỉ dạy cho tôi con đường giải thoát khổ, sau đó tôi hồi hướng, chia phần phước thiện tụng kinh, hành thiền tới toàn thể chư Thiên và nhân loại.
Buổi tối, tôi dành nhiều thời gian cho việc tụng kinh hơn là hành thiền. tôi duy trì việc tụng bài Kinh Đại Niệm Xứ Mahāsatipaṭṭhānasutta, Kinh Chuyển Pháp Luân Dhammacakkappavattanasutta và Kinh Vô Ngã Tướng Anattalakkhaṅasutta theo tuần tự từng phần.
Sau mỗi thời thiền tọa, tôi thường đi thiền hành trong tư thế hai tay buông thõng, đặt trước thân, mắt hé nhìn xuống đất, nét mặt tươi tỉnh, tôi từ tốn cất bước theo nhịp đi chậm rãi bình thường của mình. Khi thiền hành, tôi trú tâm vào mỗi bước đi, ghi nhận từng cảm giác khi bàn chân chạm mặt đất, chân phải rồi chân trái, miệng nhẩm tâm nhắc theo bàn chân: “bước – dở – đạp – nhấn” để nhận biết cảm giác khi bàn chân vừa chạm đất, khi trọng lượng toàn thân đè lên bàn chân, khi bàn chân vừa nhấc lên … rồi nhanh chóng đưa tâm sang ghi nhận bàn chân kia. Mỗi bước chân là một tiến trình mà tôi chỉ đơn thuần ghi nhận cảm giác đó mà thôi.
Sau một thời gian tập thiền hành như vậy, tôi đã có thể cảm nhận được cảm giác an lạc, nhẹ nhàng bao trùm toàn thân trong lúc di chuyển. Khi trú tâm vào bước chân thì cảm nhận của tôi giống như không phải là có một thân hình nào đang chuyển động, mà chỉ là sự cử động bước đi nhịp nhàng và một sự nhận biết, lặng lẽ theo dõi các bước di chuyển đó. Các cảm nhận này xảy đến đột ngột, tự nhiên, rồi cũng tan biến 1 cách đột ngột, tự nhiên.
Trong lúc thiền hành, nếu thấy bị phóng tâm thì tôi tự nhắc là mình đang phóng tâm, ghi nhận tâm đang sảy ra lúc đó rồi hướng tâm trở lại với “dở lên, bước tới, đặt xuống, ấn xuống đất.” để đưa tâm về an trú trên bước chân. Đôi lúc khi bị phóng tâm, tôi cũng áp dụng phương pháp niệm Ân đức Phật “Buddho” để an định tâm. Khi bàn chân phải chạm đất, tôi niệm “Bud”. Khi bàn chân trái chạm đất, tôi niệm “Dho”. cứ “Bud … phải; Dho … trái; Bud … phải; Dho … trái; Bud … Dho … Bud … Dho” Tiếp tục như thế cho đến khi tâm đã ổn định thì tôi bỏ niệm Buddho và quay về chú ý ghi nhận cảm giác của mỗi bước đi.
Thông thường, cứ đi khoảng 20 bước thì tôi đứng lại vài giây, ghi nhận cảm giác toàn thân trong tư thế đứng, rồi tiếp tục bước đi. Tôi thực tập như thế khi đi vài vòng trong hành lang tầng thiền, việc kinh hành giúp lưu thông khí huyết, hít thở không khí trong lành buổi sớm làm tâm an tịnh và giúp cải thiện cả vấn đề xương khớp cho tôi. Sau khi kết thúc thiền hành, nếu là buổi tối thì việc thiền tọa thường chỉ diễn ra sau khoảng 23h. Tôi sẽ hành thiền đến lúc nào thấy thật sự buồn ngủ thì sẽ xả thiền và nghỉ ngơi. Việc cuối cùng trước khi chìm vào giấc ngủ sẽ vẫn là niệm tưởng đến hồng danh 9 Ân đức Phật, 6 Ân đức Pháp, 9 Ân đức Tăng tụng bài Kệ An Lành..
Bài của tôi chia sẻ về kinh nghiệm tu tập của bản thân với tác ý trợ duyên cho những ai sơ cơ hơn mình biết cách hành trì hàng ngày. Do tôi cũng chỉ là tu tập sơ cơ ở mức khởi điểm nên các quý đạo hữu nào trình độ tu tập uyên bác thấy dở thì mong được sự góp ý chân thành hoặc bỏ qua bài này. Xin lỗi vì sự bất tiện cho các quý vị cao nhân ạ.
Nhớ lại lời của Bhante Indacanda “một tuần làm Phật sự 1 lần thì được 1 chút lợi ích, hàng ngày hành Phật sự sẽ được gấp 7 lần lợi ích, hàng ngày hành Phật sự 2 lần sẽ được 14 lần lợi ích”
Sādhu lành thay!