Chưa có nhận xét nào

SINH TỬ DO MỆNH

110. Yo ca vassasataṃ jīve dussīlo asamāhito,
ekāhaṃ jīvitaṃ seyyo sīlavantassa jhāyino.

Nghĩa Việt:
Người nào có giới xấu xa không định tĩnh có thế sống một trăm năm, mạng sống một ngày của người có giới hạnh có thiền là tốt hơn.

* Yo ca vassasataṃ jīve dussīlo asamāhito = và người nào có giới xấu xa không định tĩnh có thế sống một trăm năm,
– vassasataṃ (vassa + sata) = trăm năm.
– vassa = năm.
– sataṃ = một trăm.
– jīve (√ jīv) <đt, tha-đ, gđ, 3, sđ> = có thế sống.
– dussīlo (du + s + sīla) = người nào có giới xấu xa.
– Tđn. du = ác, xấu.
– sīla = giới.
– asamāhito (a + samāhita) = không thiền định, không định tĩnh.
– samāhita (saṃ + √ dhā) = đã được định tĩnh.
– Tđn. saṃ = cùng.
– √ dhā = đặt xuống.

* ekāhaṃ jīvitaṃ seyyo sīlavantassa jhāyino= mạng sống một ngày của người có giới hạnh có thiền là tốt hơn.
– ekāhaṃ (eka + aha) = một ngày.
– eka = một.
– aha = ngày.
– jīvitaṃ (√ jīv + ita) = đời sống.
-sīlavantassa (sīla + vantu) = của người có giới hạnh.
– sīla = giới hạnh.
– Tvn.vantu = chỉ sự sở hữu.
– jhāyino (jhāyī) = của người có thiền (√ jhe).

Trích lục:
110. Dầu sống một trăm năm,
Ác giới, không thiền định,
Tốt hơn sống một ngày,
Trì giới, tu thiền định. (HT Minh Châu)

110.111. Trăm năm sống có ích gì,
Buông lung, phóng dật ác trí, ác tà!
Một ngày trong cõi người ta,
Giới định, thiền tuệ – thật là tốt hơn! (HT Giới Đức)

– Số ấy do ai định đặt?
– Là do nghiệp tạo ra
– Nghiệp ấy do ai tạo?
– Là do sự kết thành hiển nhiên của thân, khẩu, ý trong sinh hoạt cuộc sống hằng ngày.
– Vâng! câu truyện cuộc đời cậu bé Samkicca là một hình ảnh điển hình sống động chứng minh cho số phận đời người.

Cậu bị thiêu đốt khi còn nằm trong bụng mẹ. Mẹ cậu chẳng may qua đời lúc có mang cậu Samkicca trong bụng. Ai cũng nghĩ thai nhi sẽ chết cùng mẹ khi sản phụ tắt thở nhưng trường hợp cậu bé Samkicca thì hoàn toàn khác thường. Giàn hoả táng đã đốt cháy thịt xương người mẹ, rồi người ta dùng gậy chọc thủng bụng bà ra cho cháy hết toàn cơ thể và thai nhi nhưng không cướp đi sinh mạng đứa bé. Sáng hôm sau, người ta vẫn thấy thai nhi còn đó trên đống than hừng, thế là đứa bé được bồng ẵm ra chăm sóc và thông báo cho cả thành hay tin. Khi ấy, các vị thầy bói toán cho biết cậu bé là nguồn phúc cho dòng họ 7 đời không bị đói khổ.

Cậu được gia tộc chăm sóc chu đáo và thừa hưởng một gia sản kếch xù của mẹ để lại. Đến năm lên 7 tuổi, cậu được nghe kể về sự kiện hy hữu lúc cậu ra đời đã trải qua cảnh sống chết như vậy, cậu bé thấy quí mạng sống mình có được hôm nay và phải tận dụng mạng sống này sao cho có giá trị tốt nhất. Rồi ngay sau phút suy tư ấy, tư tưởng xuất gia theo Phật vụt lên trong đầu cậu. Điều ấy lập tức được thành tựu, cậu bé 7 tuổi trở thành đệ tử ngài Sāriputta và đắc thánh quả A-ra-hán ngay nhát dao cạo đầu tiên chạm vào da đầu cậu. Từ đó, sadi Samkicca được ở bên cạnh ngài Sāriputta.

Hôm nọ, tại thành Xá-vệ có 30 vị đại gia lớn tuổi, không còn tha thiết với thế gian nữa nên đến xin Phật quy y xuất gia tu hành. Phật đã tiếp nhận và dạy đề mục thiền định. Sau khi thọ giáo đề mục, cả 30 vị tỳ khưu ấy xin được vào rừng ẩn tu…Phật nhìn thấy duyên lành và nạn tai có thể sảy ra với họ nên Ngài cho phép đi nhưng căn dặn hãy đến gặp tôn giả Sāriputta.

Vâng lời Phật, các vị đến yết kiến ngài Sāriputta, khi biết các vị chuẩn bị vào rừng tu thiền. Ngài Sāriputta lĩnh hội được ý của Phật vì sao kêu các vị đến đây. Nên ngài Sāriputta đã bảo sadi Samkicca đi cùng nhóm tân tỳ khưu này.

Quả thật y như dự đoán của Phật, bọn cướp biết khu vực các vị tu thiền nên đã bắt các vị để làm lễ tế thần linh trong khu rừng chúng sống. Là thân phận tu sĩ không thể dùng gậy gọc chống đối với bọn cướp nên các vị chấp nhận yêu cầu đó. Vị huynh trưởng xin đi nộp mạng và căn dặn các vị sư đệ ở lại cố gắng hành pháp, nhưng các vị sư đệ trong nhóm 30 vị, từ nhị đệ đến tam đệ và dần dần từng vị đều tên tiếng xung phong tình nguyện đi nộp mạng để các vị còn lại tu hành. Thế rồi, người cuối cùng lên tiếng đầy oai lực quyết đoán nhất là sadi Samkicca. Sadi bảo hãy để con đi làm nhiệm vụ này…. Đây là lí do vì sao thầy của con bảo con theo các vị.

Câu nói khẳng định đầy quả quyết của sadi làm cho cả tăng đoàn im lặng ngắm nhìn sadi nhỏ và ngầm hiểu là có gì đó không đơn thuần như kẻ phàm phu. Các vị chấp nhận lời yêu cầu của sadi trong nổi đau đớn tiếc thương nhưng không dám trái ý vì tôn trọng.

Đến nơi tế lễ, sadi được đặt lên đài cúng tế, vị sadi ngồi nhập định bất động, các tên cướp ngỡ ngàng đến kinh hãi khi các đao kiếm chặt vào người sadi đều bị cong quẹo… Thế là sau nhiều nhát chém không sao đụng tới chéo y vị sadi, hà huống chi lấy được sinh mạng. Cả bọn cướp biết ngay đây không phải người bình thường. Cả bọn rùng rùng sụp quỳ xuống chân xin ngài sadi Samkicca tha thứ lỗi và từ nay thề nguyện bỏ nghề trộm cướp, quy y đầu Phật, xin được xuất gia tu hành, sám hối tội lỗi.

Sadi Samkicca từ bi tiếp nhận cho cả 500 tên cướp xuống tóc đắp y thọ 10 giới. Sau đó dẫn toàn bộ về trình báo nhóm tăng chúng 30 vị đang hành thiền, để các vị yên tâm và cả 500 vị tân sadi lên đường cùng thầy là sadi Samkicca về yết kiến ngài Sāriputta và Phật. Nhân dịp đó, Phật đọc lên câu kệ:

“Dầu sống một trăm năm,
Ác giới, không thiền định,
Tốt hơn sống một ngày,
Trì giới, tu thiền định”
(pháp cú câu 110)

Nguồn tích: Sayalay Mỹ Thúy.

Đăng nhận xét