“Con đem hết lòng thành kính gieo năm vóc vi trần của mình đảnh lễ bụi bặm cao quý dưới chân đức Phật”
Trong đời sống tu tập hàng ngày, bất cứ ai trong chúng ta cũng đã từng hành lễ và khấn niệm khi quỳ trước ban thờ tại gia hay ban thờ Tam Bảo trong chùa, hoặc đã được nghe câu kệ trên. Nhưng đảnh lễ với tư thế nào là đúng và đem lại sự lợi lạc nhất cho người hành lễ thì rất ít người làm đúng. Trong bài này, xin được chia sẻ với quý bạn hữu một số tư thế đảnh lễ do chư Tăng dạy cho tôi.
Trước tiên, ta phải hiểu đảnh lễ nghĩa là 1 hành động chỉ sự cung kính của mình với ai đó bằng cách cúi lạy. Đối với Tam Bảo tối thượng, khi đảnh lễ ta phải thực hiện theo 1 số cách cơ bản như sau:
Cách 1: Quỳ với tư thế khép đầu gối, 2 ngón chân cái chạm vào nhau, hai tay chắp lại thành kính, chắp hai tay trước ngực thể hiện sự cung kính, đưa lên ngang tầm chân lông mày để thể hiện sự nhất tâm, khi đưa tay xuống phải sát thân mình rồi hạ cánh tay xuống để chạm bàn tay ra phía trước đầu gối khoảng 25cm, Hai bàn tay úp xuống sát đất. Khi gập người sát đất thì trán sẽ chạm đất. Thứ tự sẽ là 2 bàn tay chạm đấy nằm ngoài cùng, trán chạm đất bên phía trong, cuối cùng là 2 đầu gối chạm đất (Như hình dưới cùng) khủy tay sẽ chạm vào phần đầu gối. Phải đảm bảo là có 5 phần cơ thể là (2 bàn tay + khủy tay) + trán + 2 chân phải sát xuống chạm đất.
Cách 2: Ngồi với tư thế 2 chân vắt sang cùng 1 bên, khi cúi xuống đảnh lễ thì thực hiện như 1 động tác mát xa cho chính mình vì khi cúi gập sang 1 bên thì dạ dày sẽ được phần đùi của mình ép lại giúp dễ co bóp hơn, khi cúi sát xuống đảnh lễ thì xương sống vùng thắt lưng sẽ được gập lại tối đa, rất tốt cho việc bảo trì xương sống, khi đầu cúi dập trán mình xuống đất thì sẽ giúp cho máu huyết lưu thông lên đầu, tránh được các bệnh nhức đầu, tiền đình, thiếu máu lên não.
Những cách giải thích trên để cho chúng ta hiểu được sự lợi lạc của việc đảnh lễ với cơ thể mình. Nhưng việc lợi ích nhất của việc đảnh lễ đó là giúp chúng ta tăng trưởng đức tin, sự cung kính hết mực với đấng Tam Bảo tối thượng sẽ là duyên lành khởi tạo tâm đại thiện sau này.