Chưa có nhận xét nào

BA LOÀI CHÚNG SINH TRONG TAM GIỚI

1 – Chúng sinh có ngũ uẩn trong 11 cõi dục giới (11 cõi dục giới là: 4 cõi ác giới + 1 cõi người + 6 cõi trời dục giới) và 15 cõi sắc giới (trừ cõi sắc giới Vô Tưởng Thiên).

2 – Chúng sinh có tứ uẩn (thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn) trong 4 cõi vô sắc giới.

3 – Chúng sinh có nhất uẩn (sắc uẩn) trong cõi sắc giới Vô Tưởng Thiên.

CHÚNG SINH CÓ NGŨ UẨN

Ngũ uẩn là sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn. Chúng sinh có ngũ uẩn như chúng sinh ở cõi địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh, loài người, chư thiên trong cõi dục giới và chư phạm thiên trong 15 cõi sắc giới.

– Sắc uẩn thuộc về phần thân.

– Thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn thuộc về phần tâm.

Ví dụ: Khi con người sống thì thân với tâm luôn luôn nương nhờ lẫn nhau. Phần thân hay sắc uẩn là riêng biệt, và phần tâm gồm có 4 uẩn: thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn luôn luôn nương nhờ lẫn nhau và không bao giờ tách rời nhau, bởi vì mỗi tâm luôn luôn có một số tâm sở.

Trong mỗi tâm phát sinh, thì có một số tâm sở ít hoặc nhiều đồng sinh với tâm ấy, chính tâm ấy là thức uẩn và các tâm sở đồng sinh với tâm, như tâm sở thọ là thọ uẩn, tâm sở tưởng là tưởng uẩn, tâm sở còn lại là hành uẩn. Cho nên, trong mỗi tâm đều có 4 uẩn nương nhờ lẫn nhau, không tách rời nhau.

Nếu khi nào tâm tách rời khỏi thân, thì khi ấy gọi là người chết, thân trở thành tử thi.

Con người chưa phải là bậc Thánh Arahán, thì sau khi chết rồi, chắc chắn nghiệp cho quả tái sinh kiếp sau. Kiếp sau thuộc loài chúng sinh nào, hoàn toàn tùy thuộc vào nghiệp của người ấy cho quả tái sinh. Do đó, thân người chết là xong kiếp người, không thể tái sinh kiếp sau được, mà chỉ có nghiệp của người ấy đã tạo trong kiếp hiện tại hoặc kiếp quá khứ, chính nghiệp ấy cho quả tái sinh kiếp sau mà thôi. Tất cả mọi chúng sinh khác cũng giống như vậy.

Không nên hiểu rằng: con người chết sẽ tái sinh làm chư thiên, hoặc súc sinh…, và cũng không nên hiểu rằng: “Chư thiên chết, rồi tái sinh làm người, hoặc một loài thú vật chết, rồi tái sinh làm người v.v…”.

Sự thật, mỗi kiếp chúng sinh nào đến khi chết rồi, chấm dứt kiếp chúng sinh ấy; phần thân không liên quan đến kiếp sau, mà chỉ có phần tâm liên quan đến kiếp quá khứ, hiện tại và vị lai mà thôi.

Còn tái sinh kiếp sau, do năng lực của tham ái dẫn dắt tái sinh, và chính nghiệp của chúng sinh ấy trực tiếp cho quả tái sinh kiếp sau.

– Nếu nghiệp ác cho quả, thì sẽ tái sinh 1 trong 4 cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh.

– Nếu nghiệp thiện cho quả, thì được tái sinh một trong những cõi thiện giới: Làm người trong cõi người, làm chư thiên trong cõi trời dục giới, làm phạm thiên trong cõi trời sắc giới, vô sắc giới.

Cho nên, tử sinh luân hồi của mỗi chúng sinh không liên quan đến phần thân, chỉ liên quan đến phần tâm mà thôi.

PHÁP NGŨ UẨN

Uẩn (khandha) có nghĩa là “phần” gồm những phần có trạng thái giống nhau, liên kết vào với nhau.

Ví dụ: Con người có ngũ uẩn.

Sắc uẩn đó là 28 sắc pháp thuộc phần thân.

Thọ uẩn đó là tâm sở thọ.

Tưởng uẩn đó là tâm sở tưởng.

Hành uẩn đó là 50 tâm sở nói chung (không có tâm sở thọ và tâm sở tưởng).

Thức uẩn đó là 89 hay 121 tâm nói chung, mỗi tâm là thức uẩn.

Thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn thuộc về phần tâm hay gọi là danh uẩn.

Giải thích:

1 – Sắc uẩn
Sắc uẩn đó là 28 sắc pháp như sau:

Sắc tứ đại: là 4 sắc pháp lớn rõ ràng.

Địa đại: chất đất có trạng thái cứng hoặc mềm.
Thủy đại: chất nước có trạng thái lỏng hoặc đông đặc.
Hỏa đại: chất lửa có trạng thái nóng hoặc lạnh.
Phong đại: chất gió trạng thái lưu động, phồng hoặc xẹp.
Sắc tứ đại này là nơi nương nhờ của 24 sắc pháp phụ thuộc.

*24 sắc pháp phụ thuộc vào sắc tứ đại:

5 sắc tịnh căn: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân.
5 – 7 sắc đối tượng: sắc, thanh, hương, vị, xúc [Xúc gồm có 3 sắc pháp: đất, lửa, gió trong phần tứ đại, nên chi pháp không tính trong phần sắc pháp phụ thuộc. Vậy sắc đối tượng còn lại 4 không phải là 5-7] .
2 sắc tính: sắc nam tính, sắc nữ tính.
1 sắc ý căn.
1 sắc mạng chủ.
1 sắc vật thực.
1 sắc chân không.
2 sắc cử động: sắc thân cử động, sắc khẩu cử động.
3 sắc biến chuyển: sắc nhẹ nhàng, sắc mềm mại, sắc uyển chuyển.
4 sắc trạng thái: sắc sanh, sắc liên tục, sắc già dặn, sắc vô thường.

28 sắc pháp này đều gọi là sắc uẩn.
Một người bình thường, không bị khuyết tật, thân thể có đầy đủ 27 sắc pháp.

Nếu là người nam, thì trừ sắc nữ tính.
Nếu là người nữ, thì trừ sắc nam tính.
Nếu người bị đui mù, câm điếc, thì người ấy có số lượng sắc pháp giảm xuống theo bệnh tật.

2 – Thọ uẩn.
Thọ uẩn đó là tâm sở thọ, có trạng thái cảm thọ trong đối tượng.

Thọ có 3 loại tính theo cảm thọ trong đối tượng:

Thọ khổ có trạng thái khổ khó chịu.
Thọ lạc có trạng thái lạc dễ chịu.
Thọ xả có trạng thái không khổ, không lạc.

Thọ có 5 loại tính theo cảm thọ đối tượng do thân, tâm làm chủ:

Thọ khổ đồng sinh với thân thức tâm (thân khổ).
Thọ lạc đồng sinh với thân thức tâm (thân an lạc).
Thọ hỷ đồng sinh với ý thức tâm (tâm an lạc).
Thọ ưu đồng sinh với sân tâm (tâm khổ não).
Thọ xả đồng sinh với ý thức tâm (tâm không khổ, không lạc).
Mỗi tâm phát sinh có tâm sở thọ đồng sinh với tâm, tâm sở thọ ấy là thọ uẩn.

3 – Tưởng uẩn.
Tưởng uẩn đó là tâm sở tưởng có trạng thái ghi nhớ trong 6 đối tượng.

Sắc tưởng ghi nhớ các hình ảnh màu sắc.
Thanh tưởng ghi nhớ các loại âm thanh, tiếng nói.
Hương tưởng ghi nhớ các thứ mùi thơm, hôi.
Vị tưởng ghi nhớ các thứ vị ngon, dở.
Xúc tưởng ghi nhớ các loại cảm xúc nóng lạnh, cứng mềm…
Pháp tưởng ghi nhớ các tâm, tâm sở, sắc pháp, các ngôn ngữ chế định, môn học và cả Niết Bàn.
Mỗi tâm phát sinh, đều có tâm sở tưởng đồng sinh với tâm, tâm sở tưởng ấy là tưởng uẩn.

4 – Hành uẩn.
Hành uẩn đó là 50 tâm sở (không có tâm sở thọ và tâm sở tưởng).
Có trạng thái cấu tạo, tạo các pháp; tâm sở tác ý (cetanā) đồng sinh với bất thiện tâm, tạo nên bất thiện nghiệp (ác nghiệp) do thân, khẩu, ý; tâm sở tác ý (cetanā) đồng sinh với thiện tâm, tạo nên thiện nghiệp, do thân, khẩu, ý.
Mỗi tâm phát sinh, có các tâm sở này ít hoặc nhiều, tùy theo năng lực và phận sự của mỗi tâm. Ngoại trừ hai tâm sở thọ và tâm sở tưởng ra, các tâm sở còn lại đều là hành uẩn.

5 – Thức uẩn.
Thức uẩn đó là tất cả các tâm gồm có 89 hoặc 121 tâm có trạng thái biết đối tượng. Đối tượng có 6 loại, do đó tất cả tâm chia ra làm 6 loại tâm.

Nhãn thức tâm: có 2 tâm làm phận sự nhìn thấy sắc trần, các hình ảnh.
Nhĩ thức tâm: có 2 tâm làm phận sự lắng nghe thanh trần, các âm thanh.
Tỷ thức tâm: có 2 tâm làm phận sự ngửi các thứ mùi hương.
Thiệt thức tâm: có 2 tâm làm phận sự nếm các thứ vị.
Thân thức tâm: có 2 tâm làm phận sự cảm giác xúc trần nóng, lạnh, cứng, mềm…
Ý thức tâm: có 79 tâm làm nhiều phận sự biết pháp trần: tâm, tâm sở, sắc pháp, các ngôn ngữ chế định ra môn học,… và cả đối tượng Niết Bàn tùy theo năng lực của mỗi tâm.

*Mỗi tâm là mỗi thức uẩn.
Thật ra, mỗi tâm phát sinh đều có một số tâm sở ít hoặc nhiều tùy theo năng lực và phận sự của tâm ấy. Các tâm sở này đồng sinh với tâm, đồng diệt với tâm, đồng đối tượng với tâm, đồng nơi phát sinh với tâm.

Cho nên, khi mỗi tâm phát sinh nghĩa là 4 danh uẩn đồng sinh; khi tâm diệt nghĩa là 4 danh uẩn đồng diệt.

Mỗi tâm phát sinh đều nương nhờ nơi môn đó là sắc pháp. Như vậy:

Sắc pháp mà tâm ấy nương nhờ thuộc sắc uẩn.
Tâm ấy làm chủ thuộc thức uẩn.
Tâm sở thọ đồng sinh với tâm ấy thuộc thọ uẩn.
Tâm sở tưởng đồng sinh với tâm ấy thuộc tưởng uẩn.
Tâm sở còn lại (không có tâm sở thọ và tâm sở tưởng) đồng sinh với tâm ấy thuộc hành uẩn

Những chúng sinh có ngũ uẩn:
Khi mỗi tâm phát sinh là ngũ uẩn phát sinh,
Khi mỗi tâm diệt là ngũ uẩn diệt.

Vốn trạng thái của tâm sinh rồi diệt, diệt rồi sinh liên tục không ngừng, bởi do nhân duyên hỗ trợ từ vô thủy cho đến nay, từ kiếp này sang kiếp khác tiếp nối nhau, trên cuộc hành trình tử sinh luân hồi của mỗi chúng sinh.

Vốn trạng thái của thân hoặc sắc uẩn cùng sinh rồi diệt, diệt rồi sinh liên tục không ngừng giới hạn trong mỗi kiếp, do bởi nghiệp và tuổi thọ của mỗi chúng sinh. Khi nghiệp ấy tận cùng, tuổi thọ hết, thân mạng chủ (sắc mạng chủ: Rūpujīvitindriya) bị cắt đứt, chấm dứt một kiếp, đồng thời tâm tách rời khỏi thân, gọi là chết.

Sau khi chết, nếu chúng sinh ấy còn phiền não, tham ái, thì nghiệp còn cho quả tái sinh kiếp sau. Kiếp trước với kiếp sau không liên quan đến phần thân, mà chỉ liên quan đến phần tâm.

Đức Phật dạy ngũ uẩn này đều là vô ngã với nghĩa:
– Anattā asārakaṭṭhena: Vô ngã với ý nghĩa là vô dụng, không có cốt lõi vững chắc, không có tính chất bền vững lâu dài.
– Avasavattanaṭṭhena anattā: Vô ngã với ý nghĩa không chiều theo ý muốn của ai.

Nguồn: Ngài Hộ Pháp Dhammarakkhita Bhikkhu

Đăng nhận xét