Chưa có nhận xét nào

TÔI LÀM “THẦY CÚNG”

– Alô, em nhờ anh chút việc ạ?

– Em nói đi, anh giúp được gì cho em?

– Em muốn nhờ anh xem ngày giờ để động thổ nhà hộ em và hôm động thổ thì anh đến lễ cho em.

– Ừm!!! Để anh xem thế nào đã nhé

2 hôm sau:
– Anh ơi, anh xem giúp em chưa?

– Anh đang bận làm giải đua xe đạp, chiều anh gọi lại em nhé.
…..
– Em ơi, tối 17/09 anh bay ra Hà Nội. Anh thấy ngày 19/09 đẹp ngày đó, từ 13h đến 15h là làm lễ được.

– Em phải mua gì để làm lễ hả anh?

– Em mua 5 loại quả to như xoài, na, lê, táo.. Và 5 loại quả bé như nho, nhãn…, 1 đĩa xôi và 1 miếng thịt luộc, 1 lọ hoa cắm và 1 chậu nước ngắt chừng 20 bông hồng lấy cánh hoa cho vào đó để khi tụng kinh xong thì rảy nước và cánh hoa cho mát mẻ. Không dùng gạo, muối, rượu, vàng mã gì hết em nhé.

– Anh sẽ mua hộ em thạch anh vụn đủ 5 màu như màu cờ Phật Giáo, mỗi màu 3 kg để khi nào đổ trần mái các tầng thì sẽ trộn lẫn vào đó cho tốt phong thủy.

– Vâng ạ

Nguyên cớ dẫn đến việc tôi làm “thầy cúng” là như vậy đó.

Tôi miễn cưỡng bén duyên với cái nghiệp thầy cúng cách đây chừng 5 năm khi có một người bạn nhờ đến cơ quan làm lễ rằm Vu lan. Trước đây, vụ cúng bái đó phải đi nhờ mấy ông thầy cúng, thi thoảng có lần cũng nhờ được 1 vị sư Bắc tông đến lễ, lần này do họ đắt show vì trùng ngày với nhiều nơi, không tìm được ai nên bạn tôi đành cầu cứu đến tôi nhờ cúng hộ rằm Vu Lan. Sau khi cân nhắc 1 hồi thì tôi quyết định nhận lời vì nghĩ đây là 1 dịp tốt để trợ duyên cho bạn tôi hiểu đúng về đạo Phật, nhất là phá nghi vụ mê tín dị đoan, không tạo cơ hội kiếm tiền cho mấy cha thầy cúng chuyên nghiệp. Ngay sau khi tôi nhận lời, vị chủ tịch công đoàn ở chỗ bạn tôi gọi đến để hỏi xem cần phải sắm sửa những vật phẩm gì cho buổi lễ, khi nghe tôi yêu cầu chỉ mua hoa quả, xôi, giò, hoa sen (đúng mùa) thì tỏ vẻ ngạc nhiên. Hóa ra ở cạnh nơi ấy có 1 cái hồ, trước đây đã có 1 cặp chú cháu ra bơi rồi chết đuối, họ đem thi thể người vắn số lên để ở sân ấy, rồi ở đó có 1 cái miếu đồn là có rất nhiều vong nên thường xuyên phải cúng gạo muối, cháo lão, vàng mã mới yên chuyện. Vì thấy sự mê tín và hủ tục rất nặng nề nơi ấy nên tôi quyết định nhận lời “cúng” hộ rằm tháng bảy năm đó.

Thế rồi 1 ban thờ nói không với tất cả vàng mã, rượu bia đã thay thế cho những sự rườm rà bày vẽ với la liệt quần áo giấy, hình nhân thế mạng, bỏng, gạo, muối, cháo, rượu, tiền lẻ….

Trước khi lễ, tôi giải thích cặn kẽ và kỹ càng về những thủ tục sẽ làm để những người tham gia sẽ hiểu rõ việc mình làm và kết quả từ việc đó.
Và rồi như nước chảy mây trôi, tất cả sếp và nhân viên đều cùng thành kính quỳ lễ, chắp tay đọc lời sám hối Tam Bảo, xin được quy Y Tam Bảo và thọ trì ngũ thường giới, tất cả cùng thành kính nghe tụng những bài Kinh hộ trì Paritta như Maṅgalasutta (để đạt được hạnh phúc), Ratanasutta (để được dứt khỏi các sự nguy hiểm do bệnh tật (roga), phi nhân (amanussa) và sự đói khát (dubbhikkha)), Mettāsutta (để cầu an cho tất cả chúng sinh), Morasutta (để tránh kẻ thù truy đuổi), Vaṭṭasutta (tránh họa hỏa hoạn, nước lụt), Dhajaggasutta (ngăn ngừa phi nhân làm hại), Āṭanāṭiyasutta (để được bảo vệ khỏi các phi nhân, được sức khỏe và hạnh phúc), Pubbaṇhasutta (tránh sao xấu, ác mộng, nghịch duyên)… Sau đó tất cả cùng đồng thanh rải tâm từ, phát nguyện, hồi hướng và chia phước cho các hàng chúng sinh, nhất là các chúng sinh hàng hóa sinh đang cộng sinh ở trú xứ đó và khấn nguyện cho Phật giáo được trường tồn. Cuối cùng là kệ bài tiễn chư Thiên. Chậu nước ngắt cánh hoa hồng sau khi tụng kinh được mang rảy ra sân cho vạn vật được mát mẻ an lành. Mọi người năm đó tỏ vẻ rất hoan hỉ khi được thay món cũ với mù mịt khói vàng mã, nhoe nhoét cháo, gạo muối rảy khắp nơi cùng những ê a tụng những từ mà cả ông thầy và thí chủ đều chả hiểu tụng cho ai và để làm gì… nay được an hưởng 1 không khí trang nghiêm, hoan hỉ với quần là áo lượt, ngồi chắp tay thành kính mà không phải hò nhau kẻ đi hóa mã, người rảy cháo lão, gạo muối… Quan trọng nhất là hiểu được ý nghĩa lời Kinh và hướng tâm đến đúng đối tượng cần thiết, giúp họ xóa được những sự sợ hãi mơ hồ đầy mê tín dị đoan về những thế lực ma quỷ hắc ám đang chực chờ rình rập làm hại họ, thay vào đó là sự phát khởi tâm bi mẫn, từ ái với tất cả các hàng chúng sinh để hàng ngày biết hồi hướng và rải tâm từ đến cho họ… Năm đó quả là 1 năm đầy hanh thông với nơi đó. Từ đó, cứ mỗi đận lễ như ngày ông Táo 23 tháng Chạp, Rằm tháng Riêng, Rằm tháng Bảy là tôi lại trở thành thầy cúng cho một số nơi bạn bè nhờ cậy, rồi làm lễ vào nhà mới, lễ động thổ, lập ban thờ mới, lễ an vị tượng Phật… Cứ như vậy, tiếng sám hối Tam Bảo, xưng tán Tam Bảo, Tam Quy Ngũ Giới, Kinh hộ trì Paritta, rải tâm từ, cầu an, hồi hướng phát nguyện, chia phước, chúc phúc… bằng cả tiếng Pali và tiếng Việt cùng những phút giây đại chúng được đẫm mình trong hơi thở Anapanasatti cứ thỉnh thoảng lại tái hiện ở chốn kinh thành của lễ hội, cúng bái và biết bao hủ tục mê tín dị đoan… Kết thúc buổi lễ bao giờ cũng là thủ tục cảm ơn bằng phong bì và đồ cúng lễ. Đồ cúng lễ thì để lại hết cho gia chủ hưởng lộc, còn phong bì thì ngay lần đầu tiên, sau khi cân nhắc thì tôi quyết định nhận bằng cách công khai bóc luôn tại chỗ để biết rành mạch giá trị và thông báo cho thí chủ biết sẽ dùng số tiền đó vào việc ấn tống Tam Tạng Việt Ngữ và ghi tên của thí chủ lên phần phương danh ấn tống. Từ đó, lại thêm rất nhiều người chưa có đức tin nơi Tam Bảo đã phát khởi được đức tin, những người đã có đức tin nay được tăng trưởng đức tin và những hủ tục mê tín di đoan nhờ đó cũng đã biến mất ở rất nhiều nơi.

Cũng phải xin nói thêm về động cơ và mục đích khi tôi nhận lời đi tụng kinh làm lễ giúp bạn hữu. Có thể quý vị biết hoặc không biết về những hạng chúng sinh xung quanh, nhưng ta nên hiểu khái quát là ở đâu thì cũng có đủ 4 hạng chúng sinh cùng cộng sinh với mình gồm thai sinh (như mình) noãn sinh (các loại đẻ trứng rồi sinh như kiến, thạch sùng, gián… ; thấp sinh ( muỗi, rết, giời leo…) và hóa sinh (chư Thiên, ngạ quỷ, Asura…) 3 hạng đầu tiên thì mình thấy được họ (số lượng có hạn định) nhưng chúng sinh hóa sinh thì thân xác họ vi tế, mình ko nhìn thấy được nhưng họ cùng sinh sống với mình, số lượng không hạn định, đo đếm được. Với các hàng chúng sinh cộng sinh cùng với mình, nếu mình biết cách chung sống với họ, giúp đỡ họ thì họ sẽ trợ duyên lại cho mình, gia hộ cho mình thân tâm được an lạc, làm ăn hanh thông, chuyên gặp chuyện lành, hiếm gặp chuyện không lành. Nếu mình sống mà không biết/ko quan tâm/thờ ơ/làm hại họ thì cũng tương tự như vậy, nhẹ thì họ thi thoảng quậy mình, nặng hơn thì làm mình thất điên bát đảo. Chuyện đó là có thật, thời đức Phật tại thế, các vị khuất mặt khuất mày đó cũng đã quậy cho chư Tăng khỏi tu được luôn, đến khi đức Phật dạy cho chư Tăng bài Mettāsutta để cầu an cho các hàng chúng sinh thì mới yên chuyện. Nên việc dọn đến nơi ở mới, các ngày lễ lớn trong năm chính là dịp tốt để chia sẻ Pháp, để tạo cơ hội cho mọi người được nghe và thực hành Pháp.

Ôi thôi thế đã nhé. Tôi phải chuẩn bị để 10h đi làm lễ động thổ cho 1 thí chủ rồi. Chúc mọi người an vui và nguyện cho Phật giáo được trường tồn.

Đăng nhận xét