Chưa có nhận xét nào

MẠN ĐÀM VỀ LỄ RẰM THÁNG BẢY ĐỂ BIẾT TRẢ ƠN SÂU BẬC DƯỠNG DỤC SINH THÀNH CHO ĐÚNG CÁCH

Lễ hội rằm tháng bảy là một ngày lễ quan trọng của hệ phái Phật giáo phát triển. Ðây là ngày vu lan báo hiếu, đồng thời là ngày mãn mùa an cư kiết hạ (tự tứ) của chư tăng hệ phái Phật giáo phát triển. Tuy nhiên trong giáo lý của Phật giáo hệ phái Nguyên thủy Theravāda, ngày này là ngày lễ bình thường, vì lịch sử của ngày không thấy ghi trong kinh điển nguyên thủy. Phật giáo tại Việt Nam đã chịu nhiều ảnh hưởng của truyền thống Bắc tông trong hơn ngàn năm lịch sử, nên ý niệm về ngày rằm tháng bảy đã ghi sâu vào trong tâm tư của quần chúng. Vì thế, Phật giáo Theravāda tại Việt Nam cứ đến mỗi độ thu về cũng hòa đồng trong sự lễ hội chung với Phật giáo phát triển, cũng có tổ chức lễ rằm tháng bảy nhưng theo nghi thức riêng của mình.

“Vu-lan” tiếng Pāḷi gọi là Ullambana là cái chậu cứu nạn treo ngược, Bồn là tiếng Hán, nghĩa là dụng cụ đựng thức ăn. “Vu-lan bồn” là pha tạp tiếng Hán lẫn tiếng Pāḷi, tức là dụng cụ cứu nạn treo ngược (hồn kẻ thác bị treo ngược ở âm phủ). Còn tiệc Vu lan bồn là thức ăn để trong chậu đem cúng dường đến chư Tăng nhân ngày Rằm tháng Bảy để các ngài nhân danh Tam Bảo cầu nguyện cho vong hồn khỏi bị đọa ở cảnh ngạ quỷ. Còn về nguồn gốc của kinh Vu-lan là do vị sư người gốc Tây Trước tên Hộ Pháp (Dharmaraksa) đời Tây Tấn, thế kỷ thứ ba hoặc thứ tư dịch từ chữ Pāḷi sang chữ Hán.

Theo kinh này, Đức Phật khuyên người tại gia nên cầu siêu cho thân bằng quyến thuộc đã quá vãng và cầu an cho thân bằng quyến thuộc còn hiện tiền nhân ngày rằm tháng bảy. Kinh còn đề cập đến một chi tiết quan trọng nữa là khi ngài Mục Kiền Liên đắc đạo, ngài nhớ đến công ơn mẹ, dùng thần thông quan sát tìm mẹ, thấy mẹ do tạo trữ ác nghiệp nên đã sinh vào cõi địa ngục. Ngài thương tiếc, mang cơm xuống dâng mẹ nhưng người mẹ không ăn được. Khi về thế gian, ngài đem chuyện này bạch Đức Phật và được Ngài dạy hãy chờ đến rằm tháng Bảy khi chư Tăng mãn hạ, Ngài Mục Kiền Liên làm phước hồi hướng cho mẹ thì người mẹ mới có thể nhận được phước báu để thoát khỏi cảnh khổ.

Trong khoảng trước thập niên 60, kể từ khi quyển sách “Bông hồng cài áo” ra đời, phát sinh thêm một nghi thức mới lạ trong ngày rằm tháng bảy, rất đặc thù, làm sống động hình ảnh của cha mẹ – hai đấng sinh thành dưỡng dục. Mặc dù nghi thức đó, qua quyển sách trên – chịu ảnh hưởng văn hóa của Nhật Bản nhưng được nhiều người tán đồng, cho rằng có ý nghĩa, đáng được phát huy và duy trì. Những người tham dự lễ đều được cài trên áo một bông hồng theo từng hoàn cảnh khác nhau. Nếu cha mẹ còn sinh tiền thì được cài trên áo một bông hồng màu đỏ thắm. Nếu như mất mẹ thì được cài hoa hồng màu trắng. Cảm động là ở chỗ nhìn thấy người khác hoặc mình khi có cài trên áo một bông hồng màu trắng thì cảm thấy xót xa thân phận mất mẹ hiền, thông cảm với người đồng phận, và cảm thấy chạnh lòng thương nhớ bà mẹ vô cùng. Chính vì thế ngày rằm tháng bảy trở thành ngày lễ hội quan trọng trong đời sống tâm linh của tứ chúng. Cứ đến ngày này chư vị cư sĩ sắm sửa món ngon vật lạ đem cúng dường Tam Bảo để cầu an cho gia đạo và cầu siêu cho cửu huyền thất tổ đã quá vãng.

Tuy nhiên, có một điều khiến ta phải để tâm xem xét, đó là việc trong Tam Tạng Kinh Điển Pāḷi không thấy có bộ kinh nào tương đương với quyển kinh Vu lan bồn của Phật giáo phát triển. Không biết những nhà kết tập kinh điển Nguyên thủy có lược bỏ một số kinh văn nào hay không, hay kinh này là do phong trào phát triển Phật giáo trước tác thêm vào sau này. Một điều khó hiểu này là tại sao Đức Phật lại khuyên ngài Moggallāna muốn trả hiếu cho mẹ phải đợi đến rằm tháng Bảy? Chắc có lẽ là vào ngày này, khi chư Tăng Bắc tông mãn mùa an cư nên Tăng chúng đông đảo và phước báu sẽ nhiều hơn. Nhờ oai lực đó thì cầu nguyện dễ siêu thoát. Thế nhưng, theo giới luật Phật giáo Theravāda, chư Tăng nhập hạ ngày rằm tháng sáu và mãn hạ vào ngày rằm tháng chín. Như thế, nếu Phật tử trong truyền thống Theravāda tin theo quyển kinh Vu lan bồn thì họ phải điều chỉnh lại ngày Vu lan báo hiếu đến ngày rằm tháng chín chứ không phải rằm tháng bảy.

Một vấn đề nữa cần xem xét vì Ðạo Phật là đạo dựa trên nền tảng lý nhân quả và nghiệp báo. Ðức Phật từng tuyên bố gieo giống nào gặt quả nấy. Ngài đã trầm lặng, không thể can cứu khi hay biết vua Thiện Giác (cha vợ) bị đất rút và dòng họ Thích Ca (Sakya) bị tàn sát. Ngài có nhiều phép thần thông siêu xuất trong tam giới này nhưng qua kinh điển, Ngài vẫn phải để cho nghiệp lực chúng sinh trổ quả theo chu trình tự nhiên. Mặc dù biết trước việc tàn sát dòng họ Sakya, và đã hơn hai lần đến thương lượng, cuối cùng thì Ngài cũng không giúp được gì hơn, bởi vì nghiệp dòng họ Sakya gieo trong kiếp quá khứ nay đến chu kỳ phải trả quả. Cho rằng ngài Moggallāna dù là một đại thánh tăng đã đắc quả Arahán, có nhiều thần thông mà vẫn không cứu mẹ được, phải nhờ đến đại chư Tăng cùng cầu nguyện mới cứu được, có thể sẽ dễ đưa đến một ngộ nhận cho rằng bây giờ chúng ta không cần phải tu tập tâm tính, cứ tự do làm tội lỗi và cố dành dụm một số tiền lớn để lại cho thân nhân, và nhờ họ sau khi ta qua đời, nhớ rước thầy đông đảo để cầu nguyện cho siêu thoát. Một quan niệm như thế có thể sẽ có những hậu quả tiêu cực, không có lợi chi trên con đường tu tập giải thoát.

Sau một thời gian tu tập nghiên cứu theo Kinh điển Pāḷi, xin chia sẻ 2 tích để quý vị có thể hiểu đúng về sự tích lễ Vu lan như sau:

1 – CHUYỆN NGÀI MAHĀMOGGALLĀNA
Trong tiền kiếp, Ngài Đại đức Mahāmoggallāna (ở Việt Nam gọi chệch là Mục Kiền Liên) là người con trai duy nhất chí hiếu đối với cha mẹ bị mù đôi mắt. Hằng ngày, sáng sớm người con lo cơm nước cho cha mẹ ăn, giặt giũ quần áo,… xong mọi công việc trong nhà, rồi mới đi ra ngoài lo công việc đồng áng. Chiều về, người con lo tắm rửa cho cha mẹ,… Cha mẹ thấy con vất vả như vậy, nên muốn tìm cho con một người vợ để lo giúp đỡ công việc trong nhà, nhưng người con trai một mực từ chối. Cha mẹ cứ khuyên dạy như vậy nhiều lần, nếu không vâng lời cha mẹ, thì sợ cha mẹ sẽ buồn, cho nên bất đắc dĩ, người con phải chịu lấy vợ cho cha mẹ vui. Người vợ lo phục vụ cho cha mẹ chồng được một thời gian ngắn, sau đó, nàng bịa đặt chuyện nói xấu cha mẹ chồng.
Người vợ than vãn với người chồng rằng:
– Em chịu đựng không nổi với cha mẹ anh. Em không thể sống chung cùng với cha mẹ của anh được nữa….
Mặc dù người chồng khuyên can, năn nỉ vợ, nhưng người vợ vẫn khăng khăng cự tuyệt không chịu sống chung với cha mẹ của mình. Đế chiều theo ý vợ, người con thưa với cha mẹ rằng:
– Thưa cha mẹ, từ lâu rồi, cha mẹ chưa đi thăm người bà con ở xóm bên kia, xin cha mẹ lên ngồi trên chiếc xe bò, con sẽ đưa cha mẹ đến thăm người bà con ấy.
Hai ông bà mù tin lời của người con lên xe, người con đưa cha mẹ đến khu rừng, rồi thưa với cha mẹ rằng:
– Thưa cha mẹ, khoảng khu rừng này thường có nhiều bọn cướp đón đường cướp của giết người, xin cha mẹ ngồi trên xe để con xuống đi thăm dò đường.
Người con xuống xe, một lát sau quay trở lại giả làm bọn cướp đến đánh đập cha mẹ già mù đến chết, rồi bỏ xác ở trong rừng.
Người con phạm ác nghiệp vô gián giết cha, giết mẹ. Sau khi người con chết, ác nghiệp vô gián giết cha, giết mẹ ấy cho quả tái sinh trong cõi đại địa ngục Avīci chịu khổ bị thiêu đốt suốt nhiều đại kiếp trái đất trong địa ngục ấy.
Đến thời gian mãn quả của ác nghiệp vô gián ấy, do nhờ thiện nghiệp đã được tạo trong những kiếp quá khứ cho quả tái sinh trở lại làm người. Người ấy đã tạo mọi thiện nghiệp nhất là 10 pháp hạnh ba-la-mật, cho nên hậu kiếp của người con trai giết cha, giết mẹ trong kiếp quá khứ ấy, nay là tu sĩ ngoại đạo Kolita, sau đó xuất gia trở thành Tỳ khưu trong giáo pháp của Đức Phật Gotama, có tên gọi theo dòng dõi là Ngài Đại đức Mahāmoggallāna. Ngài thực hành thiền tuệ, chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Arahán cùng với Tứ tuệ phân tích, đặc biệt chứng đắc Lục thông. Đức Phật tuyên dương: “Ngài Đại đức Mahāmoggallāna là bậc Thánh Tối Thượng Thanh Văn của Đức Phật xuất sắc nhất về thần thông trong hàng Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Phật”.
Vào hạ cuối cùng, sau khi Ngài Đại đức Sāriputta tịch diệt Niết Bàn, Đức Phật cùng chư Tỳ khưu Tăng từ kinh thành Sāvatthi ngự đến kinh thành Rājagaha, ngự tại ngôi chùa Veluvana. Khi ấy, Ngài Đại đức Mahāmoggallāna đang trú tại làng Kaḷasilā trong xứ Magadha, nhóm ngoại đạo thuê mướn nhóm cướp vây đánh Ngài, đã biết bao lần Ngài đều tránh được; lần cuối cùng Ngài quán xét thấy nghiệp ác cũ đến thời kỳ cho quả, do tiền kiếp của Ngài Đại đức Mahāmogallāna đã từng tạo bất thiện nghiệp đánh đập cha mẹ Ngài đến chết trong kiếp quá khứ. Nay bất thiện nghiệp ấy trở thành bất thiện nghiệp sát hại có phận sự cắt đứt ngũ uẩn và đồng thời ngũ uẩn Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới. Nên Ngài nhẫn nại chịu đựng để nhóm cướp đánh đập Ngài tan xương nát thịt. Chúng tưởng Ngài đã chết nên ném xác Ngài vào bụi cây rồi bỏ đi. Ngài vận dụng thần thông liên kết xương thịt lại, bay đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn xin phép tịch diệt Niết Bàn. Ngài Đại đức Mahāmoggallāna tịch diệt Niết Bàn vào ngày 30 tháng 10 (âm lịch), tại làng Kaḷasilā trong xứ Magadha .
Lễ hỏa táng xong, Đức Phật truyền dạy xây ngôi tháp tôn thờ Xá lợi Ngài Mahāmoggallāna tại kinh thành Rājagaha.

2 – TÍCH NGÀI SĀRIPUTTA CỨU THÂN MẪU TIỀN KIẾP BỊ ĐỌA THÀNH NGẠ QUỶ – SĀRIPUTTATTHERAMĀTUPETA
Ngạ quỷ thân mẫu của Ngài Ðại Ðức Sāriputta (Xá Lợi Phất), được tóm lược như sau:
Nữ ngạ quỷ tiền thân đã từng là thân mẫu của Ngài Ðại Ðức Sāriputta kiếp thứ 5 trong quá khứ, kể từ kiếp hiện tại.
Tiền thân của nữ ngạ quỷ là vợ của ông Bà la môn giàu có nhiều của cải. Ông Bà la môn có đức tin trong sạch, có tác ý thiện tâm, thường làm phước thiện bố thí cúng dường vật thực, đồ uống, y phục… đến Sa môn, Bà la môn. Bố thí ban bố, phân phát đến những người nghèo khổ, người qua đường….
Một hôm, ông Bà la môn có công việc phải đi nơi khác, ông dạy bảo vợ ở nhà thay ông gìn giữ phong tục tập quán, lo công việc làm phước thiện bố thí cúng dường đến Sa môn, Bà la môn, phân phát vật thực, đồ dùng đến những người nghèo khổ đói khát…. Người vợ ở nhà không làm theo sự dạy bảo của chồng. Hễ có ai đến nương nhờ, bà ta buông lời mắng nhiếc, ăn phẩn, uống nước tiểu, liếm máu mủ, nước miếng….
Sau khi bà ta chết, do ác nghiệp ấy cho quả tái sanh vào hàng ngạ quỷ đói khát, ăn đồ dơ bẩn, ăn phẩn, uống nước tiểu, mủ, nước miếng… chịu bao nỗi khổ cực đói khát, lạnh lẽo do ác nghiệp của mình đã tạo. Nữ ngạ quỷ nhớ lại tiền kiếp đã từng là thân mẫu của Ngài Ðại Ðức Sāriputta, muốn đến nương nhờ Ngài, chư thiên giữ cổng ngăn cản không cho nữ ngạ quỷ vào. Nữ ngạ quỷ thưa với vị chư thiên rằng:
– Thưa chư thiên, tiền kiếp tôi đã từng là thân mẫu của Ngài Ðại Ðức Sāriputta, xin chư thiên cho tôi vào thăm Ngài.
Nữ ngạ quỷ được vào đứng khép nép, Ngài Ðại Ðức Sāriputta nhìn thấy nữ ngạ quỷ, với tâm bi mẫn bèn hỏi rằng:
– Này ngạ quỷ! Thân trần truồng, hình dáng đáng thương hại, ốm yếu da bọc xương, thân mình run rẩy. Ngươi là ai mà đến đứng nơi này?
Nghe Ngài hỏi, nữ ngạ quỷ thưa rằng:
– Kính bạch Ngài Ðại Ðức, tiền kiếp của con đã từng là thân mẫu của Ngài, do nghiệp ác cho quả tái sanh làm ngạ quỷ chịu cảnh đói khát, đành phải ăn những đồ dơ dáy như nước miếng, nước mũi, đàm người ta nhổ bỏ, uống nước vàng chảy từ xác chết, uống máu của đàn bà đẻ, uống máu mủ của đàn ông bị chặt tay chân, ăn máu mủ các loài động vật, sống không có nương tựa, các nơi nghĩa địa, bãi tha ma.
Kính bạch Ngài, xin Ngài làm phước thiện bố thí, rồi hồi hướng phần phước thiện ấy đến cho mẹ với. Nhờ phước thiện ấy, may ra mẹ mới thoát khỏi cảnh khổ ngạ quỷ như thế này.
Ngài Ðại Ðức Sāriputta lắng nghe lời nữ ngạ quỷ đã từng là thân mẫu trong tiền kiếp, phát sanh tâm bi mẫn, nên tìm cách cứu khổ nữ ngạ quỷ, Ngài bàn tính với Ngài Ðại Ðức Mahāmoggallāna (Mục Kiền Liên), Ngài Ðại Ðức Anuruddha và Ngài Ðại Ðức Mahākappina.
Ngài Ðại Ðức Mahāmoggallāna đi khất thực vào cung điện gặp đức vua Bimbisāra, Ðức vua thỉnh mời yêu cầu Ngài cần thứ vật dụng nào để Ðức vua dâng cúng. Nhân dịp ấy, Ngài Ðại Ðức Mahāmoggallāna thưa cho Ðức Vua biết chuyện nữ ngạ quỷ đã từng là thân mẫu của Ngài Ðại Ðức Sāriputta sống trong cảnh khổ không có nơi nương nhờ.
Nghe vậy, Ðức Vua truyền lệnh xây cất 4 cái cốc, chỗ ở của chư Tỳ khưu Tăng. Khi xây cất xong, Ðức Vua làm lễ dâng đặc biệt đến Ngài Ðại Ðức Sāriputta 4 cái cốc ấy.
Một lần nữa, Ngài Ðại Ðức Sāriputta làm lễ dâng những cốc này đến chư Tỳ khưu Tăng từ bốn phương, có Ðức Phật chủ trì, xin hồi hướng phần phước thiện này đến cho nữ ngạ quỷ đã từng là thân mẫu trong tiền kiếp. Nữ ngạ quỷ hoan hỉ phần phước thiện bố thí mà Ngài Ðại Ðức Sāriputta hồi hướng. Ngay sau khi hoan hỉ phần phước thiện bố thí ấy, liền thoát khỏi kiếp ngạ quỷ, tái sanh lên làm thiên nữ có hào quang sáng ngời, có thân hình xinh đẹp, y phục lộng lẫy, có lâu đài nguy nga tráng lệ, có đầy đủ của cải của chư thiên, hưởng sự an lạc cao quý trong cõi trời.
Hôm sau, vị thiên nữ ấy hiện xuống đảnh lễ Ngài Ðại Ðức Mahāmoggallāna, Ngài hỏi thiên nữ rằng:
– Này thiên nữ, ngươi có sắc đẹp tuyệt trần, có hào quang sáng chói khắp mọi nơi, như vầng trăng sáng.
– Do phước thiện gì mà ngươi có được như vậy?
– Do phước thiện gì mà ngươi được sanh trong lâu đài nguy nga tráng lệ như thế ấy?
– Do phước thiện gì mà ngươi có đầy đủ mọi thứ trong cõi trời đáng hài lòng như vậy?
Này thiên nữ, ngươi có nhiều oai lực đặc biệt, vậy, khi sống cõi người, ngươi tạo phước thiện gì, mà nay có được những quả báu đáng hài lòng như vậy?
Vị thiên nữ bạch với Ngài Ðại Ðức Mahāmoggallāna rằng:
– Kính bạch Ngài Ðại Ðức Mahāmoggallāna, con là thân mẫu của Ngài Ðại Ðức Sāriputta trong tiền kiếp, do ác nghiệp cho quả tái sanh làm nữ ngạ quỷ chịu cảnh khổ đói khát đành phải ăn đồ dơ dáy như máu, mủ…. Vừa qua, con đã đến hầu Ngài Ðại Ðức Sāriputta cầu xin Ngài có lòng bi mẫn cứu khổ con, Ngài đã làm phước thiện bố thí xong hồi hướng đến cho con; con đã hoan hỉ phần phước thiện ấy, nên con thoát khỏi kiếp ngạ quỷ, được tái sanh làm thiên nữ có được tất cả như Ngài đã thấy.
Kính bạch Ngài Ðại Ðức, con hiện xuống đây để đảnh lễ dưới chân Ngài và Ngài Ðại Ðức Sāriputta là bậc Thánh thiện trí, có tâm bi mẫn cứu khổ chúng sinh trong đời.
(Nguồn: Khuddakanikāya, Petavatthu, truyện Sāriputtattheramātupeta)

Xin đừng ai thấy bất bình, bi phẫn khi biết sự thật trong kinh tạng gốc của Đạo Phật lưu lại về tiền kiếp Ngài Moggallāna giết cha mẹ nên đến kiếp chót, dù Ngài là Bậc Thánh Arahán nhưng vẫn phải chịu trả ác nghiệp còn dư sót trước khi tịch diệt Niết Bàn. Còn trong tiền kiếp, thân mẫu của Ngài Sāriputta mới là tạo ác nghiệp, để kiếp gặp được Ngài Sāriputta trong hình dạng ngạ quỷ điêu linh rồi được hưởng phước báu do người con tiền kiếp – giờ này là Bậc Tối Thượng Thanh Văn khởi tâm bi mẫn báo hiếu phụ mẫu, để được kết quả sinh thiên hưởng an vui lâu dài.

Về mặt sử liệu và kinh điển của các hệ phái Phật giáo khác biệt nhau như thế. Nhưng về mặt hướng thiện, đạo đức của quần chúng Phật tử thì việc tổ chức ngày rằm tháng bảy rất hữu ích. Việc này giúp cho người tại gia lẫn xuất gia có một ngày trọn vẹn để tưởng nhớ đến hai đấng sanh thành dưỡng dục, giúp họ có ý thức vững chắc để hành thiện, bố thí, đền đáp công ơn trời biển của cha và mẹ.

Hòa nhịp trong sinh hoạt chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đến rằm tháng bảy mỗi chùa Nguyên thủy Theravāda đều tổ chức lễ đặt bát hội chư Tăng. Nghi lễ thường là người Phật tử sắm thực phẩm và tứ sự như cơm, nước, trái cây … để đợi đến giờ chư Tăng xếp hàng đi chậm rải trong chánh niệm, theo thứ tự trưởng hạ, Phật tử thành kính để thức ăn vào trong bình bát của chư Tăng. Chư Tăng hoan hỷ thọ nhận và đọc kinh phúc chúc để Phật tử thành tâm chú nguyện chia đều phần phước này thấu đến thân bằng quyến thuộc đã quá vãng, rồi sau đó Phật tử cùng đọc kinh hồi hướng. Chương trình lễ thường có buổi thuyết giảng của chư Tăng để người Phật tử hôm đó được dịp ôn lại trọn vẹn hình ảnh công ơn bao la của cha mẹ, để thấy rằng bổn phận làm con là phải đáp đền công ơn cao cả này.

Thêm vào đó, Phật tử cũng cần hiểu rằng việc trả hiếu phải thực hiện trong bất cứ ngày, tháng, năm nào chứ không phải đợi đến rằm tháng bảy. Ví như người thân chúng ta thiếu nước thì chúng ta phải cung cấp cho họ ngay. Trong kinh Tăng chi bộ, Đức Phật dạy người con chí hiếu phải phụng dưỡng cha mẹ lúc còn sinh tiền những nhu cầu vật chất, không làm cha mẹ phiền lòng, thậm chí nếu cha mẹ không hiểu đạo thì người con phải cố gắng an trú cha mẹ vào trong chánh pháp, khi cha mẹ qua đời mới hồi hướng phước cho cha mẹ. Chứ không phải lúc cha mẹ còn sống thì người con ăn nói thô lỗ, bất hiếu, đến khi cha mẹ qua đời thì lại khóc lóc, cầu trời vái Phật, hoặc đi nhiều chùa để cầu siêu cho cha mẹ, vì rằng làm như thế cũng sẽ không có kết quả gì nhiều.

Tóm lại, tổ chức lễ ngày rằm tháng bảy hằng năm là để nhắc nhở những người con nam nữ phải nhớ đến công ơn vô bờ bến của cha mẹ. Nếu cha mẹ còn sinh tiền thì người con nên mua món quà nào đó để kính dâng lên cha mẹ để nhớ đến ơn nghĩa sinh thành, để tự nhắc nhở đến sự hiện hữu vi diệu của một niềm hạnh phúc rất đáng giá, ghi khắc trong tâm và tự hứa với đất trời không thể quên lãng người cha yêu dấu, người mẹ hiền thân thương. Nếu như người đã ngàn thu vĩnh biệt thì người con phải làm phước, bố thí, trì giới, tham thiền và hồi hướng phước báu cho cha mẹ. Trên nền tảng căn bản đó, người Phật tử luôn ghi nhớ trong tâm: hiếu hạnh là truyền thống của chư Phật. Vì thế bổn phận làm con phải nhớ đến ơn nghĩa sinh thành và phải đáp đền ân cao nghĩa dày đó. Không phải đợi đến ngày rằm tháng bảy mới nhớ đến công ơn của cha mẹ mà phải suốt đời, suốt năm, suốt tháng, chúng ta đáp đền công ơn hiếu dưỡng của hai đấng sinh thành.

Chúng ta hãy tìm hiểu vấn đề bố thí và hồi hướng thông qua sự dạy bảo qua Trang sách của Ngài Hộ Pháp Dhammarakkhita Bhikkhu như sau:

BỐ THÍ VÀ HỒI HƯỚNG

Thí chủ làm phước thiện bố thí xong, thường hồi hướng phần phước thiện bố thí ấy đến người thân yêu đã quá vãng nào đó.

Ví dụ: “Con xin hồi hướng phần phước thiện bố thí thanh cao này đến cho cha con là Nguyễn Văn A. Cầu mong cha con hoan hỉ phần phước thiện thanh cao này, được thoát khỏi cảnh khổ, được an lạc lâu dài…”.

Như vậy, thử hỏi ông “A” có thọ hưởng phần phước thiện, mà người con hồi hướng đến cho ông được hay không?
Ðể trả lời câu hỏi này, trước hết nên tìm hiểu 3 vấn đề:
1 – Dānakusala: phước thiện phát sinh do bố thí: thí chủ sử dụng của cải của mình đem bố thí đến cho người khác, để tạo được phước thiện bố thí của mình.
2 – Pattidānakusala: phước thiện phát sinh do hồi hướng: sau khi thí chủ đã tạo được phước thiện bố thí xong rồi, đem phần phước thiện ấy xin hồi hướng đến người đã quá vãng nào đó (ví như ông, bà, cha, mẹ,v.v…).
3 – Pattānumodanākusala: phước thiện phát sinh do hoan hỉ phần phước thiện mà người thí chủ hồi hướng: những chúng sinh hay biết, hoan hỉ phần phước thiện của thân quyến hồi hướng đến họ.

Trường hợp ông A không phải là bậc Thánh Arahán [*], nên còn phiền não, tham ái vẫn còn tái sanh kiếp sau như thế nào, hoàn toàn tùy theo thiện nghiệp hoặc ác nghiệp của ông A cho quả tái sinh. Như vậy, ông A có thọ hưởng được phần phước thiện bố thí của thân quyến hồi hướng đến cho ông hay không?
[*] Theo Phật giáo, bậc Thánh Arahán khi tịch diệt Niết Bàn rồi, chắc chắn không còn tái sinh kiếp nào nữa.

Muốn biết vấn đề phước thiện bố thí và hồi hướng phần phước thiện đến cho người quá vãng, họ có thọ hưởng được hay không?
Chúng ta cùng tìm hiểu bài kinh “Jāṇusasoṇīsutta” [Aṅguttaranikāya, phần Dasakanipāta, kinh Jānusasoṇīsutta]. Trong bài kinh này, có đoạn ông Bà la môn Jāṇusasoṇī đến hầu đảnh lễ Ðức Thế Tôn, bèn bạch rằng:
– Kính bạch Ðức Sa môn Gotama, chúng con là Bà la môn thường bố thí rồi hồi hướng đến những người quá vãng rằng: “phần phước thiện bố thí này, cầu mong cho được thành tựu đến thân quyến đã quá vãng, mong thân quyến quá vãng ấy hoan hỉ thọ hưởng phần phước thiện bố thí này”.
Kính bạch Ðức Sa môn Gotama, phần phước thiện bố thí này, có thể thành tựu đến thân quyến đã quá vãng của chúng con được hay không?
Thân quyến đã quá vãng của chúng con có hoan hỉ thọ hưởng phần phước thiện bố thí của chúng con được hay không? Bạch Ngài.

Ðức Phật giải đáp rằng:
– Này Bà la môn, phần phước thiện bố thí được thành tựu tùy theo loại chúng sinh này; không được thành tựu tùy theo loại chúng sinh khác.
– Kính bạch Ðức Sa môn Gotama, loại chúng sinh nào được thành tựu? Loại chúng sinh nào không thành tựu? Bạch Ngài.
– Này Bà la môn, có số người trong đời này, là người không có giới, thường sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói lời đâm thọc chia rẽ, nói lời thô tục, nói lời vô ích, có tánh tham lam của người khác, có tánh thù hận, có tà kiến; người ấy sau khi chết, do ác nghiệp cho quả tái sanh làm chúng sinh trong cõi địa ngục, chúng sinh trong cõi địa ngục sống tồn tại bằng vật thực ở địa ngục.
Này Bà la môn, phần phước thiện bố thí không thành tựu đến chúng sinh ở địa ngục.
Này Bà la môn, có số người trong đời này, là người sát sanh, trộm cắp, tà dâm… có tà kiến; người ấy sau khi chết, do ác nghiệp cho quả tái sanh làm súc sanh, loài súc sanh sống tồn tại bằng vật thực riêng của mỗi loài.
Này Bà la môn, phần phước thiện bố thí không thành tựu đến loài súc sanh.
Này Bà la môn, có số người trong đời này là người có giới, tránh xa sự sát sanh, tránh xa sự trộm cắp, tránh xa sự tà dâm, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói lời đâm thọc, tránh xa sự nói lời thô tục, tránh xa sự nói lời vô ích, tâm không tham lam của người khác, tâm không thù hận, có chánh kiến; người ấy sau khi chết, do thiện nghiệp cho quả tái sanh trở lại làm người, con người sống tồn tại bằng vật thực của cõi người.
Này Bà la môn, phần phước thiện bố thí không thành tựu đến chúng sinh tái sinh trở lại làm người.
Này Bà la môn, có số người trong đời này là người có giới, tránh xa sự sát sanh, tránh xa sự trộm cắp…, có chánh kiến; người ấy sau khi chết, do thiện nghiệp cho quả tái sinh làm chư thiên, chư thiên trong cõi trời, sống tồn tại bằng vật thực trong cõi trời.
Này Bà la môn, phần phước thiện bố thí cũng không thành tựu đến chư thiên trong cõi trời.
Này Bà la môn, có số người trong đời này, là người không có giới, thường sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói lời đâm thọc chia rẽ, nói lời thô tục, nói lời vô ích, có tính tham lam, có tính thù hận, có tà kiến; người này sau khi chết, do ác nghiệp cho quả tái sinh làm loài ngạ quỷ, ngạ quỷ sống tồn tại bằng vật thực của hàng ngạ quỷ. Hàng ngạ quỷ này thường trông ngóng thân quyến trong cõi người hồi hướng phước thiện đến cho họ, khi họ hay biết hoan hỉ phần phước thiện ấy, họ thọ hưởng được, chắc chắn họ thoát khỏi cảnh khổ, tái sinh cõi thiện giới hưởng được mọi sự an lạc.
Này Bà la môn, phần phước thiện bố thí chỉ có thể thành tựu đến cho loài ngạ quỷ mà thôi.

Khi lắng nghe Ðức Phật giải đáp như vậy, ông Bà la môn bạch tiếp rằng:
– Kính bạch Sa môn Gotama, nếu thân quyến đã quá vãng ấy không thọ hưởng được phần phước thiện bố thí hồi hướng ấy, vậy ai thọ hưởng phần phước thiện ấy? Bạch Ngài.
– Này Bà la môn, hàng ngạ quỷ thân quyến khác của thí chủ, thọ hưởng được phần phước thiện hồi hướng ấy.
– Kính bạch Sa môn Gotama, nếu thân quyến đã quá vãng không có trong hàng ngạ quỷ, thì ai là người thọ hưởng phần phước thiện hồi hướng ấy? Bạch Ngài.
– Này Bà la môn, trong vòng tử sanh luân hồi trải qua vô số kiếp của mỗi chúng sinh trong quá khứ, không có người thân quyến tái sinh làm ngạ quỷ, đó là điều không thể có được, (chắc chắn có thân quyến sinh làm ngạ quỷ).
Ðiều chắc chắn thí chủ là người được phần phước thiện bố thí ấy và thọ hưởng quả báu của phước thiện bố thí ấy.
– Kính bạch Sa môn Gotama, Ngài có hạn chế những chúng sinh không thọ hưởng được phước thiện bố thí hay không?
– Này Bà la môn, Như Lai có hạn chế chúng sinh.
Này Bà la môn có số người trong đời này, là người không có giới, thường sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói lời đâm thọc chia rẽ, nói lời thô tục, nói lời vô ích, có tính tham lam, có tính thù hận, có tà kiến; nhưng người ấy thường bố thí cơm, nước, vải, xe cộ, hoa quả, vật thơm, vật thoa, chỗ nằm, chỗ ở, đèn đến Sa môn, Bà la môn; người ấy sau khi chết, do ác nghiệp cho quả dầu tái sinh làm con voi; trong kiếp voi ấy, được nuôi nấng chăm sóc chu đáo, có đầy đủ vật thực, nước uống ngon lành, có chỗ ở sạch sẽ, đồ trang sức đẹp đẽ… do quả của phước thiện bố thí trong kiếp trước.
Này Bà la môn, có số người trong đời này là người không có giới, thường sát sinh, trộm cắp… có tà kiến, nhưng người ấy thường bố thí cơm, nước, vải, xe cộ, hoa quả, vật thơm, vật thoa, chỗ nằm, chỗ ở, đèn đến Sa môn, Bà la môn; người ấy sau khi chết, do ác nghiệp cho quả dầu tái sinh làm chó; trong kiếp chó ấy, được nuôi nấng làm chu đáo, có đầy đủ vật thực, nước uống ngon lành, có chỗ ở sạch sẽ, đồ trang sức đẹp đẽ… do quả của phước thiện bố thí trong kiếp trước.
(Tái sinh làm con ngựa, con bò…. v.v…).
Này Bà la môn, có số người trong đời này là người có giới, tránh xa sự sát sinh, tránh xa sự trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói lời đâm thọc chia rẽ, nói lời thô tục, nói lời vô ích, không có tính tham lam, thù hận, có chánh kiến; người ấy thường bố thí cơm, nước, vải, xe cộ, hoa quả, vật thơm, vật thoa, chỗ nằm, chỗ ở, đèn đến Sa môn, Bà la môn. Người ấy sau khi chết, do thiện nghiệp cho quả tái sinh trở lại làm người; trong kiếp người, là người giàu sang, phú quý, có chức cao, quyền lớn, sung túc đầy đủ ngũ trần trong đời, phát sanh do quả báu của phước thiện bố thí trong kiếp quá khứ.
Này Bà la môn, có số người trong đời này, là người có giới, tránh xa sự sát sanh, tránh xa sự trộm cắp… có chánh kiến; người ấy thường bố thí cơm, nước, vải, xe cộ, hoa quả, vật thơm, vật thoa, chỗ nằm, chỗ ở, đèn đến Sa môn, Bà la môn. Người ấy sau khi chết, do thiện nghiệp cho quả tái sinh làm chư thiên; trong kiếp chư thiên trong cõi trời, là chư thiên có nhiều oai lực, hưởng mọi sự an lạc cao quý trong cõi trời ấy, do phước thiện bố thí, đã tạo trong kiếp quá khứ.
Này Bà la môn, chính thí chủ là người có phước thiện bố thí và hưởng quả báu của phước thiện bố thí ấy.
– Kính bạch Sa môn Gotama, thật phi thường! Chưa từng nghe bao giờ!
Kính bạch Sa môn Gotama, như vậy, thật ra nên bố thí bằng đức tin trong sạch, phước thiện bố thí không chỉ có quả báu cho chính mình, mà còn hồi hướng đến người khác, khi biết hoan hỉ họ cũng thọ hưởng được quả báu của phước thiện này nữa.
Kính bạch Sa môn Gotama, lời dạy của Ngài rõ ràng quá!……”.

Qua bài kinh này, chúng ta hiểu được rằng: thí chủ làm phước thiện bố thí rồi hồi hướng riêng đến thân quyến đã quá vãng nói riêng, có ý chỉ định đến một chúng sinh nào đó, thì điều ấy không chắc chắn, bởi vì, chúng sinh ấy có hay biết được thân quyến hồi hướng phần phước thiện bố thí đến cho mình hay không?
– Nếu chúng sinh ấy biết được mà hoan hỉ thì thọ hưởng được phần phước thiện ấy.
– Nếu chúng sinh ấy không hay biết, không hoan hỉ, thì không thọ hưởng được phần phước thiện ấy.
– Còn thí chủ làm phước thiện bố thí rồi, xin hồi hướng chung đến những thân quyến đã quá vãng nói chung, không có ý định chỉ định đến chúng sinh nào, điều ấy chắc chắn thân quyến của thí chủ thọ hưởng được phần phước thiện bố thí ấy. Bởi vì, trong vòng tử sanh luân hồi vô số kiếp của mỗi chúng sinh, chắc chắn có thân quyến tái sinh trong hàng ngạ quỷ. Nếu họ hoan hỉ thọ hưởng được phần phước thiện của thí chủ hồi hướng, thì họ thoát khỏi cảnh khổ, được tái sinh cõi thiện giới an lành, hưởng được mọi sự an lạc.
Ngoài ra, các chúng sinh khác không hay biết, không hoan hỉ phần phước thiện bố thí của thí chủ hồi hướng, thì không thọ hưởng được phần phước thiện bố thí ấy.

Paññvara Tuệ Ân tổng hợp.

Đăng nhận xét