Chưa có nhận xét nào

SEN VÀ QUỲ

“- Em ơi, sao anh mua Sen về mà chả thấy nở vậy nhỉ?
– À, khéo anh mua phải Quỳ chứ không phải là Sen rồi!
– Quỳ á? Quỳ là sao? Anh chỉ biết có Sen thôi chứ?
– Không phải vậy! Sen và Quỳ là hai loại hoa cùng họ nên trông rất giống nhau. Bởi lẽ đó mà nhiều người thường xuyên bị nhầm lẫn giữa hai loại hoa này. Sen thường được mua để cắm trang trí hoặc để ướp trà thì Quỳ chủ yếu chỉ được trồng để lấy đài và hạt. Giá Quỳ rẻ hơn nhiều so với Sen nhưng hình dáng bên ngoài tựa tựa như nhau nên người bán thường dùng loài hoa này để “chăn” những khách thị thành ngờ nghệch lạc chốn quê ạ
– Mô Phật! Thiện tai!”

Những ngày cuối Hạ đầu Thu này, trên nhiều phố phường Hà Nội, ta thường bắt gặp hình ảnh những người bán hoa sen dạo ven đường. Nhìn hình dáng thì rất cả đều được gọi là Sen nhưng thực tế Sen thì ít mà Quỳ thì nhiều, hệt như chuyện đời giờ Chân thì ít, Giả thì vô kể, Thiện thì hiếm, Ác thì như rươi.

Ta trở lại với chuyện Sen và Quỳ nhé. Quỳ và Sen đều có cả màu hồng và màu trắng, nhưng nếu là Quỳ hồng thì cánh phía ngoài hơi thâm, hình mui thuyền, nhọn, lòng cánh bé, màu sẽ đậm hơn rất nhiều so với màu hồng tươi của Sen. Cánh hoa Quỳ phía bên ngoài hơi thâm, đầu cánh nhọn và lòng cánh hoa bé. Sen thường có màu sắc hồng tươi, búp to tròn, mập mạp từ cuống hoa lên tới búp bởi bên trong Sen có rất nhiều cánh. Nhìn tổng thể thì chiều dài của búp Quỳ sẽ dài hơn so với chiều dài của một búp Sen. Ngoài ra, cánh Sen khó rụng hơn cánh Quỳ.

Sen thường rất dễ nở, nếu ngắt tươi, hoa có thể nở khoảng 3 ngày. Cánh Sen có màu phớt hồng hoặc trắng. với Sen, dù bị héo, cắm vào nước hoa vẫn tươi trở lại. Quỳ thì rất khó nở, nếu ngắt tươi chỉ nở được một lần duy nhất rồi tàn. Nhiều trường hợp Quỳ không nở, cánh cũng rụng liên tục đến khi tàn hoặc cả nụ héo thâm luôn.

Với những bông đã nở thì ta có thể phân biệt Sen và Quỳ dựa trên sự khác biệt về hình dáng bên trong:

– Cánh Sen bên trong có màu phớt hồng, hoặc thậm chí là màu trắng hơi phớt hồng mà thôi. Khi nở, ta có thể thấy bông hoa sen có rất nhiều tầng cánh nhỏ bao quanh đài hoa.

– Quỳ thì ngược lại. Cánh hoa bên trong có màu rất nhạt, bông Quỳ mặc dù to nhưng chỉ có một lớp cánh duy nhất bao quanh đài.

Do đó, ta có thể dùng tay sờ nắn vào búp hoa và cảm nhận độ mỏng dày để phân biệt dễ dàng đâu là Sen hay Quỳ.

Thân Sen thường thẳng và ít gai, đồng thời cuống hoa nhỏ, trong khi thân Quỳ thì xù xì nhiều gai hơn. Nếu vô tình bị gai Sen cào, da sẽ không bị buốt, nhức như gai Quỳ.

Hương Sen thường dịu mát và có khả năng lan tỏa, chỉ cần đứng phía bên ngoài đầm, người đi đường cũng cảm nhận được hương thơm đặc trưng và thoang thoảng của Sen, đặc biệt là vào lúc sáng sớm hoặc chiều muộn. Còn hương Quỳ thì nồng và hắc hơn mỗi khi đưa gần mũi, còn đứng ở xa thì ta khó có thể cảm nhận được.

Sen ‘xịn’ có giá bán khá đắt, đặc biệt là giống Sen ở khu vực các đầm sen ven Hồ Tây. Nếu muốn yên tâm với chất lượng Sen thì ta có thể ra khu vực Hồ Tây vào buổi sáng sớm để mua được Sen đẹp và tươi với mức giá khoảng 60 – 70 nghìn đồng/bó.

Còn nếu lười mà mua tại các gánh hoa bán rong thì rất có thể bạn sẽ mua được Quỳ với mức giá 60 – 70 nghìn trong khi thực tế giá chỉ khoảng 20 – 30 nghìn đồng/bó.

Trong các loài hoa cúng dường Tam Bảo thì Sen là loài hoa được tín nhiệm nhất.

Đức Phật đã dùng hình tượng hoa sen để thuyết giảng về quả báu của việc được làm người, quả báu của việc được sinh ra trong thời kỳ có đức Phật hoặc còn giáo Pháp của Ngài, quả báu của việc được sinh vào quốc độ có đạo Phật là quốc giáo, quả báu của việc có duyên được thân cận bậc thiện trí thức để học và hành theo chánh Pháp của đức Phật. Ngài đã ví chúng sinh như bốn loại hoa sen sau:

– Có đóa hoa sen vượt qua khỏi mặt nước, chỉ chờ tiếp xúc với ánh sáng mặt trời liền nở ngay ngày hôm đó.

– Có đóa hoa sen vươn lên, nằm ngang tầm mặt nước, sẽ chờ nở vào ngày hôm sau.

– Có đóa hoa sen còn ở dưới mặt nước, sẽ chờ thời gian 3 hoặc 4 hôm nữa mới nở được.

– Có đóa hoa sen còn non vừa mới tượng hình ở dưới nước sâu. Những mầm sen non ấy sẽ làm vật thực cho loài rùa, cá….

Bốn loại hoa sen này được so sánh như 4 hạng người ở trong đời:

– Ugghāṭitannū: Hạng người có trí tuệ bậc thượng, bén nhạy. Khi được nghe tiền đề của chánh pháp, chưa cần khai triển, hay trong một bài kệ có 4 câu, chỉ được nghe 2 câu đầu, bậc ấy có thể chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo – Thánh Quả và Niết Bàn ngay tức khắc.

– Vipañcitannū: Hạng người có trí tuệ bậc trung. Khi được nghe tiền đề của chánh pháp và khai triển, hay được nghe một bài kệ đầy đủ 4 câu, bậc ấy có thể chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo – Thánh Quả và Niết Bàn.

– Neyya: Hạng người có trí tuệ bậc thường. Khi được nghe tiền đề của chánh pháp và khai triển xong, còn cần phải có thời gian thân cận gần gũi với bậc Thánh Nhân, bậc thiện trí hướng dẫn chỉ dạy thêm, bậc ấy mới có thể chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo – Thánh Quả và Niết Bàn, trong kiếp hiện tại này.

– Padaparama: Hạng người có trí tuệ kém. Dù được nghe nhiều, học nhiều đi nữa hoặc dù có thân cận với bậc thiện trí, họ cũng chưa có thể chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo – Thánh Quả ngay trong kiếp hiện tại này. Nhưng đây là một cơ hội tốt, một dịp may, để bồi bổ pháp hạnh ba-la-mật, để chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo – Thánh Quả và Niết Bàn trong kiếp vị lai.

Đức Phật quán xét tất cả chúng sinh bằng Phật nhãn thấy rõ có 4 hạng người như vậy; cho nên, sự thuyết pháp của Ngài sẽ đem lại lợi ích lớn lao cho 3 hạng người trước có thể chứng đắc Thánh Đạo, Thánh Quả và Niết Bàn ngay trong kiếp hiện tại, và cũng đem lại lợi ích cho hạng người thứ tư (Padaparama) trong kiếp vị lai.

Đấng Đạo Sư cũng liệt kê hồ nước trên thế gian thành bốn loại sau:

– Hồ nhìn đã thấy nông.
– Hồ nhìn tưởng sâu nhưng là nông.
– Hồ tưởng nông nhưng lại sâu.
– Hồ nước thật là sâu.

Tương tự như vậy có bôn loại người như sau:

– Người nhìn thấy là biết thô lậu, ít học, không tu tâm dưỡng tính, không có duyên với những điều thiện lành.

– Người nhìn ngoài tưởng là bậc thiện trí thức nhưng thực tế lại là người xảo quyệt, hèn hạ, chuyên mưu lợi mình hại người, không biết đến nghiệp quả, không có đức tin vào Tam Bảo.

– Người trông bề ngoài thì thô lậu, cộc cằn, ít nói, trầm tĩnh nhưng thực tế là người tốt bụng, biết giúp đỡ người khác, ít làm điều khiến người khác phiền lòng, dễ tiếp thu thiện ý.

– Loại người thứ tư là người nhìn hình thức luôn chỉn chu, sạch sẽ, thái độ luôn niềm nở, tốt bụng, chân thành, không uống rượu bia, hút xách, thô tục; hay nói điều thiện lành, am hiểu Phật pháp, có đức tin nơi Tam Bảo, tin và hiểu nghiệp quả, năng đến chùa chiền đảnh lễ và hộ độ các vị xuất gia; thường xuyên tụng kinh, hành thiền, trì giới, bố thí…

Thật hoan hỉ khi buổi sáng, trong không khí trong lành ngát mùi Sen thanh tao, ta ngồi xưng tán đức Phật – Pháp – Tăng với tâm tín thành sâu dày nơi Tam Bảo.

Hãy khởi đầu ngày mới bằng thiện pháp thanh tao đó. Đảm bảo cả ngày bạn sẽ sung mãn cả tâm và thân.

Chúc các bạn mua Sen không bị lầm thành Quỳ.
Hãy sống như Sen toả hương cho đời. Đừng làm Quỳ uổng lắm ai ơi…

Đăng nhận xét