Chưa có nhận xét nào

KIẾP NẠN CỦA ĐỨC VUA BIMBISĀRA

Một hôm, Ðức Phật thuyết pháp giữa số đông các hàng Phật tử, chư Tỳ khưu, Tỳ khưu ni, Ðức vua, phú hộ, dân chúng,… có Tỳ khưu Devadatta ngồi trong nhóm chư Tỳ khưu Tăng, Devadatta quỳ chắp tay bạch Ðức Thế Tôn rằng:

– Kính bạch Ðức Thế Tôn, bây giờ Ngài đã già rồi, lớn tuổi, quá thời lão niên.
Kính bạch Ðức Thế Tôn, kính thỉnh Ngài nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già, giao cho con lo việc cai quản chư Tỳ khưu Tăng, con lãnh đạo chư Tỳ khưu Tăng.

Ðức Phật nghe Devadatta bạch như vậy bèn dạy rằng:

– Này Devadatta, chẳng nên vậy đâu! Con chớ nên có tham vọng lãnh đạo chư Tỳ khưu Tăng.

Tỳ khưu Devadatta bạch lần thứ nhì và lần thứ ba cũng như vậy, và cả ba lần Ðức Phật đều không chấp thuận. Ngài dạy:

– Này Devadatta, đối với Sārīputta và Moggallāna mà Như Lai cũng không trao quyền lãnh đạo chư Tỳ khưu Tăng, huống hồ đối với con, là người tham đắm trong lợi lộc thấp hèn, như dùng đồ nước miếng, làm sao Như Lai trao quyền hành cho con được.

Tỳ khưu Devadatta nghe Ðức Phật ca tụng Ðại Ðức Sārīputta và Ðại Ðức Moggallāna, còn chê trách mình dùng vật dụng phát sanh không trong sạch, như đồ nước miếng, giữa các hàng Phật tử, nên tức giận đảnh lễ Ðức Phật bỏ đi ra.

Tỳ khưu Devadatta đến gặp thái tử Ajātasattu, khuyến dụ thái tử nên giết vua cha lên ngôi vua, còn y sẽ giết Ðức Phật rồi thay thế Phật.

Thái tử Ajātasattu mang con dao lén vào phòng chờ giết vua cha, bị bại lộ, các quan bắt quả tang dẫn đến trình Ðức vua Bimbisāra phán xét.

Ðức vua tra hỏi thái tử:

– Này hoàng nhi, tại sao con có ý định giết cha?

– “Tâu phụ vương, con muốn lên ngôi làm vua.” -Thái tử tâu.

Ðức vua dạy rằng:

– Này hoàng nhi, con muốn lên ngôi thì cha truyền ngôi vua lại cho con.

Ðức vua Bimbisāra truyền ngôi, làm lễ đăng quang thái tử Ajātasattu lên ngôi vua ở kinh thành Rājagaha trị vì xứ Magadha.

Thái tử Ajātasattu được lên ngôi vua, tâm vô cùng hoan hỷ báo tin mừng cho Tỳ khưu Devadatta, Tỳ khưu Devadatta ác tâm bày kế giết Ðức vua Bimbisāra để trừ hậu họa giành lại ngôi báu.

Ðức vua Ajātasattu bắt vua cha giam trong nhà tù, lệnh cấm đem vật thực nuôi dưỡng và cấm không được ai đến thăm viếng ngoại trừ mẫu hậu, về sau cũng cấm luôn mẫu hậu.

Thái thượng hoàng Bimbisāra không có vật thực nuôi dưỡng thân thể, nhưng nhờ nhập Thánh quả định Nhập Lưu và đi kinh hành nên vẫn kéo dài sự sống còn. Vua Ajātasattu biết vậy, cho người thợ cạo đem dao rạch bàn chân [*] xoa dầu, xát muối, hơ lửa không còn đi được nữa, về sau không lâu, đức Thái thượng hoàng băng hà tái sanh làm thiên nam ở cõi Tứ đại thiên vương tên là Janavasabha.

[*] Tiền kiếp của Ðức vua Bimbisāra đã từng mang dép đi lên xung quanh bảo tháp hoặc quanh cội Bồ Ðề…, nên kiếp này phải chịu quả bị rạch 2 bàn chân.

Thái thượng hoàng Bimbisāra băng hà cùng ngày với Hoàng tử Udayabhadda con của Ðức vua Ajātasattu hạ sanh.

Các quan trước tiên tâu Ðức vua rằng:

– Tâu bệ hạ, Hoàng hậu đã hạ sanh Hoàng tử.

Ðức vua nghe các quan tâu như vậy, tình thương con dạt dào trổi lên nghĩ rằng: “khi ta sanh ra đời, chắc chắn phụ hoàng ta cũng thương ta như vậy”.

Ðức vua liền ra lệnh:

– Các quan hãy đi mau, thả phụ hoàng ta ra!

Nhưng hỡi ôi! còn người đâu mà thả ra được nữa!

Các quan tiếp theo tâu rằng: Thái thượng hoàng đã băng hà hôm nay rồi!

Ðức vua Ajātasattu vô cùng hối tiếc đi tìm mẫu hậu, nghe mẫu hậu thuật lại, biết rõ tình thương con của phụ hoàng vô hạn, Ðức vua khóc than thảm thiết, tổ chức làm lễ táng phụ hoàng rất trọng thể.

Ðức vua Ajātasattu nghe lời Tỳ khưu Devadatta phạm trọng tội giết cha thuộc ngũ vô gián nghiệp.

Trường hợp Đức vua Ajātasattu đã nghe lời khuyên dụ của Tỳ khưu Devadatta, Đức vua đã giết Phụ hoàng Bimbisāra. Khi nghe tin Tỳ khưu Devadatta bị hút sâu vào trong lòng đất, Đức vua Ajātasattu phát sinh tâm hoảng sợ, biết ăn năn hối lỗi.

Đức vua ngự đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi xin sám hối nơi Đức Thế Tôn về tội giết Vua cha của mình. Đức Thế Tôn chứng minh lời sám hối của Đức vua xong, Ngài thuyết pháp tế độ Đức vua. Nếu Đức vua Ajātasattu không phạm ác nghiệp vô gián giết cha, thì ngay tại nơi ấy, Đức vua có thể chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu. Nhưng Đức vua đã phạm ác nghiệp vô gián giết cha, cho nên không thể chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu. Đức vua kính xin thọ phép quy y Tam Bảo trở thành người cận sự nam trong giáo pháp của Đức Phật.

Từ đó về sau, Đức vua Ajātasattu có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, hết lòng phụng sự cúng dường Tam Bảo.

Thật vậy, Đức vua Ajātasattu đã hộ độ 500 vị Thánh Arahán có Ngài Đại Trưởng Lão Mahākassapa chủ trì trong kỳ kết tập Tam Tạng và Chú giải lần thứ nhất tại động Satta-paṇṇi gần kinh thành Rājagaha, sau khi Đức Phật tịch diệt Niết Bàn khoảng 3 tháng 4 ngày, suốt 7 tháng mới hoàn thành trọn bộ Tam Tạng và Chú giải.

Đức vua Ajātasattu có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, hộ độ chư Tỳ khưu Tăng cho đến trọn đời. Sau khi Đức vua Ajātasattu băng hà, lẽ ra ác nghiệp vô gián (giết cha) cho quả tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci, chịu khổ do bị thiêu đốt suốt nhiều đại kiếp trái đất, nhưng Đức vua đã biết ăn năn hối lỗi, ngự đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, xin sám hối những tội lỗi của mình; đặc biệt kính xin thọ phép quy y Tam Bảo. Từ đó về sau, Đức vua có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tạo mọi phước thiện hộ trì Tam Bảo cho đến trọn đời. Chính nhờ mọi thiện nghiệp ấy làm giảm bớt tiềm năng cho quả tái sinh của ác nghiệp vô gián (giết cha), thay vì phải tái sinh kiếp kế tiếp trong cõi đại địa ngục Avīci, thì tái sinh kiếp kế tiếp trong địa ngục nhỏ nồi đồng sôi Lohakumbhī, chịu khổ trong địa ngục nhỏ nồi đồng sôi suốt 60.000 năm.

Đức Phật dạy rằng:

“Sau khi Đức vua Ajātasattu băng hà, ác nghiệp vô gián (giết cha) cho quả tái sinh trong địa ngục nồi đồng sôi từ miệng nồi chìm xuống đến đáy nồi suốt 30.000 năm, rồi từ đáy nồi nổi lên đến miệng nồi suốt 30.000 năm, mới mãn quả của ác nghiệp vô gián ấy. Do nhờ thiện nghiệp cho quả tái sinh trở lại làm người, hậu kiếp của Đức vua Ajātasattu xuất gia sẽ trở thành Đức Phật Độc Giác có danh hiệu: Đức Phật Độc Giác Vijitāvī”.

Nguồn: Trang sách của Ngài Hộ Pháp Dhammarakkhita Bhikkhu

Đăng nhận xét