Sau khi thanh lọc giáo hội Tăng già và đại hội kết tập kinh điển kì III ra đời, vua Asoka muốn cho chánh pháp của Ðức Phật truyền bá sâu rộng vào các quốc gia lân cận và để duy trì tinh hoa của Phật pháp về sau, nhà vua thỉnh ý các vị Thánh Arahán đương thời và bàn kế hoạch hoằng dương chánh pháp, thiếp lập các đoàn truyền giáo gửi đi khắp nơi. Phương án của vua được chư vị Arahán hoan hỷ tán đồng, đặc biệt là Trưởng lão Moggaliputta Tissa. Chẳng bao lâu, chín phái đoàn được thành lập, bắt đầu lên đường truyền bá chánh pháp của Ðức Phật Gotama.
*Phái đoàn thứ nhất: Theo truyền thuyết, các vị Trưởng lão Mahinda, Ittiya Uttiya, Sambala, Bhaddasāla và Sa-di Sumana nhận trọng trách đi truyền giáo ở đảo Tích Lan (Laṅkà, Laṅkādīpa, Laṅkātala). Như đã ghi chép trong Mahāvaṃsa (Đại sử) và Chú giải Luật tạng (Samantapāsādikā), Tích Lan tuy là một nước nhỏ nhưng rất quan trọng trong việc duy trì chánh pháp của Ðức Phật Gotama và đồng thời, quốc gia đó còn có sự gắn bó, liên hệ đến ba vị Phật trong quá khứ [theo “Tự điển nhân danh và địa danh của Phật giáo – Buddhist Dictionary of Proper Names”].
Ðịa danh hòn đảo Tích Lan vào thời ba vị Phật quá khứ có tên gọi, thành phố thủ đô, và vị vua cai trị khác nhau. Vào thời Ðức Phật Kasusandha, hòn đảo được gọi là Ojadīpa, đức vua là Abhaya, thủ đô là Abhayapura và có các địa danh Mahāmeghavana, Mahātiṭṭha.
Thời Ðức Phật Konāgamana, hòn đảo được gọi là Varadīpa, thủ đô là Vaddhamāna, đức vua tên là Samiddha và có công viên tên là Mahānoma. Thời Ðức Phật Kassapa, hòn đảo có tên là Mandadīpa, tên đức vua là Jayanta, thủ đô là Visālā và có công viên tên là Mahāsāgara.
Ngoài ra vùng Mahāmeghavana có nét nổi bật tự nhiên, một nửa của xứ Tích Lan ngày nay là đỉnh núi Sumanakūta, nơi đó Ðức Phật Gotama còn để lại dấu chân của Ngài. Lúc còn sinh tiền Ðức Phật Gotama đã 3 lần đến viếng xứ sở này, trong khi đó 3 vị Phật quá khứ đến một lần. Lần thứ nhất vào tháng thứ 9 sau khi Ngài thành đạo, lý do Ngài đến là nhận thấy xứ Tích Lan sau này là một xứ sở mà giáo lý Ngài sẽ thịnh hành và phát triển. Nhưng hiện tại nơi đây, có rất nhiều loài Dạ xoa (Yakkha) và Atula (Asura) nên Ngài đến để làm thanh tịnh hóa xứ sở này, để sau này đệ tử của Ngài tiện bề truyền đạo. Lần thứ hai, vào năm thứ năm sau khi Ngài thành đạo. Lý do Ngài đến kỳ này là để giải hòa dòng họ Long Vương. Lần thứ ba là vào năm thứ tám sau khi Ngài thành đạo. Lần này Ngài cùng đi với 500 vị Tỳ khưu. Lý do đi lần này là do Long Vương cung thỉnh Ngài và Chư Tăng đến trú xứ của họ để thọ trai, và trong lần viếng thăm này, Ngài có lưu lại dấu chân trên núi mà ngày nay vẫn còn dấu tích.
Có tài liệu viết rằng phái đoàn do Ngài Mahinda lãnh đạo sang Tích Lan truyền bá đi bằng thuyền, theo các nhà thương buôn, nhưng theo quyển Mahāvaṃsa thì các Ngài vận chuyển thần thông đi đến xứ sở này vào thời vua Devanaṃpiyatissa cai trị. Vua Tích Lan và vua Asoka vốn có tình thân nên phái đoàn Ngài Mahinda khi đến Tích Lan được nhà vua đón tiếp rất long trọng, vì vua biết Ngài Mahinda là hoàng tử của vua Asoka. Vua nghĩ rằng Ngài Mahinda là một vị hoàng tử từng sống trong cung hoàng điện ngọc mà dám bỏ tất cả để xuất gia sống cuộc đời Phạm hạnh. Chắc chắn đây là một con người phi phàm hoặc trong Giáo Pháp của Phật có nhiều điều nhiệm mầu nên mới thu hút hoàng tử như vậy. Chính vì vua nghĩ như thế, niềm tin đối với phái đoàn Ngài Mahinda lại càng sâu sắc, và vua mong mõi được gần gũi ngài Trưởng lão để được tìm hiểu thêm về đạo Phật.
Sau khi chào hỏi thân thiện, Trưởng lão Mahinda bắt đầu giảng đạo, thuyết pháp cho vua và các vị hoàng gia nghe về bài Cūlahatthipādūpama suttanta (Trung Bộ Kinh). Khi chấm dứt thời pháp, vua và nhiều tùy tùng xin được quy y Tam Bảo. Vua hứa từ nay về sau sẽ tận lòng ủng hộ công việc phát huy Phật giáo tại xứ Laṅkā.
*Phái đoàn thứ hai Ngài Trưởng lão Majjhantika nhận trách nhiệm đi truyền giáo ở xứ Gandhāra và Kasmīra. Ngài là một vị Arahán. Trong kỳ Kết tập Kinh điển lần thứ ba, Ngài cũng là thành viên ưu tú tham dự. Vùng Gandhāra dường như bao gồm cả Kasmīra, vì thế, hai quốc gia này luôn luôn được nói đến như là Kasmīra-Gandhāra. Thời Ðức Phật còn tại thế, nước này có thủ đô quen thuộc mà chúng ta thường thấy khi đọc kinh điển. Đó là thủ đô Takkasilā. Nơi đây nổi tiếng là có trung tâm học đường đào tạo nhân tài cho quốc gia. Nhà vua cai trị thời đó là Pukkusāti. Nhà vua và vua Bimbisāra của nước Magadha có liên hệ ngoại giao nhau rất thân thiện. Nhờ sự liên hệ đó, khi Tam Bảo xuất hiện, vua nước Magadha gởi cho bạn mình một bức thư báo tin rằng có Đức Phật – Đức Pháp – Đức Tăng xuất hiện trên thế gian. Khi hay tin này, nhà vua quyết định xin làm đệ tử của Ðức Phật, và ông từ bỏ ngai vàng, đi đến Sāvatthi để gặp Ðức Phật, xin xuất gia sống đời phạm hạnh. Lúc Ngài Ðại Ðức Majjhantika đến hoằng pháp ở xứ này thì dân chúng của nước Gandhāra đang bị nạn thiên tai như bão lụt, hạn hán, thất mùa. Các thiên tai này là do Long vương Aravāla gây ra. Ngài Trưởng lão biết được chuyện này nên dùng thần thông hóa giải, qua một cuộc so tài với vua Rồng. Cuối cùng, vua Rồng biết thần thông của mình không thể nào sánh bằng vị sa môn này, và cơn giận dữ và lòng ngã mạn bắt đầu từ từ lắng dịu, hướng tâm về vị sa môn khả kính. Ngài Trưởng lão bắt đầu thuyết pháp cho vua Rồng và tùy tùng của ông ta, qua bài Kinh Alagaddupama suttanta. Khi bài pháp chấm dứt, vua Rồng cùng với tùy tùng của ông, dạ xoa Pandaka và vợ của dạ xoa là Hārita, xin qui y Tam Bảo và hứa với ngài Trưởng lão là sẽ trọn đời hộ trì Tam Bảo.
Sau khi tế độ được vua Rồng, dân chúng nước Gandhāra được sống an lành. Ngài Majjhantika bắt đầu công việc hoằng pháp độ sanh. Chẳng bao lâu, có rất nhiều thanh niên thiếu nữ xin xuất gia theo Ngài. Theo bộ Mahāvaṃsa (Đại sử), trong thời gian đó có đến 100.000 người xuất gia. Thế là từ đây, xứ Kasmīra và Gandhāra có một đội ngũ Tăng già đông đảo và vững mạnh để xiển dương Chánh pháp.
*Phái đoàn thứ ba: do Trưởng lão Mahādeva nhận trách nhiệm đi truyền giáo ở xứ Mahisamandala. Trưởng lão cũng là một thành viên xuất sắc trong kỳ Kết tập Kinh điển lần thứ ba. Chưa thấy tài liệu nào nói rõ về địa danh Mahisamandala này, nhưng có thể đó là vùng hạ lưu sông Godhāvarī, ngày nay gọi là Mysore. Sông Godhāvarī ở Dakkhināpatha [theo “Buddhist Dictionary of Proper Names”, Vol II, p. 815], tạo nên biên giới miền Nam. Vào thời Ðức Phật, đức vua Alaka và vua Assaka định cư ở bờ sông phía bắc và cai trị dân chúng sống trong vùng hẻo lánh ở Bāvarī. Theo Chú giải Sutta Nipāta, dòng sông Godhāvarī phân chia làm hai nhánh ở gần nơi này. Có một hòn đảo chu vi 3 dặm, và trên đó là một khu rừng dày đặc có tên là Kaptthavana. Nơi hẻo lánh của người dân xứ Bāvarī chiếm một vùng năm dặm. Trong quá khứ, khu vực này đã từng là trú xứ của những nhà hiền triết như ngài Sarabhanga [theo Chuyện Tiền Thân, Jātaka, V]. Theo Chú giải Tăng Chi Bộ kinh, nơi hẻo lánh của Bāvarī là eo dòng sông (Godhāvarivamke). Sông Godhāvarī là một trong những dòng sông linh thiêng nhất ở miền nam Ấn Ðộ. Trong quyển biên niên sử Tích Lan có đề cập đến việc truyền bá Giáo Pháp khá thành công của ngài Ðại Ðức Mahādeva tại xứ Mahisamandala.
Bài pháp đầu tiên mà Ngài thuyết tại xứ này là bài kinh Thiên Xứ (Devadūta suttanta). Sau khi giảng xong bài pháp, hơn 40 ngàn người đã xin qui y Tam Bảo, và sau đó, hàng người xin xuất gia, sống đời phạm hạnh.
*Phái đoàn thứ tư: do ngài Trưởng lão Rakkhita nhận trách nhiệm truyền giáo ở xứ Vanavāsa. Ðịa danh Vanavāsa là một quận, có lẽ là miền bắc của Kanara, nam Ấn Ðộ. Theo “Đại vương thống sử” [Mahāvaṃsa – Tỳ khưu Minh Huệ dịch] thì ngài Trưởng lão đến xứ này bằng thần thông. Khi đến, ngài đứng giữa không trung thuyết pháp cho người dân xứ này nghe về bài kinh Anamatagga Samyutta. Sau bài pháp, có 60 ngàn người qui y Tam Bảo, ba mươi bảy ngàn người xuất gia từ bỏ gia đình, và sau đó có 500 ngôi chùa được xây dựng cho Tăng chúng cư ngụ. Thế là giáo hội Tăng già được thành lập trên xứ sở này.
*Phái đoàn thứ năm: do ngài Trưởng lão Yonaka Dhammarakkhita nhận trách nhiệm truyền bá chánh pháp của Ðức Phật Gotama ở xứ Aparantaka. Ngài sinh ra và lớn lên ở Hy Lạp, có duyên lành với chánh pháp và được xuất gia, sau đó tu tập tinh chuyên và cuối cùng đắc chứng quả vị Arahán. Ngài cũng là một thành viên được tham dự đại hội Kết tập Kinh điển lần thứ ba do vua Asoka bảo trợ. Sau đó, chư Tăng trong đại hội gửi Ngài đi hoằng pháp ở xứ Aparantaka, nay gọi là thành phố Bombay của Ấn Ðộ.
Ðịa danh Aparantaka là quốc gia bao gồm cả lãnh thổ miền bắc của nước Gujarāt, Kāthiāwar, Kachch và Sindh, miền tây của nước Rājaputana, Cutch, Gujarat và một phần nối liền bờ biển trên miền hạ lưu của sông Narmadā. Vào thời kỳ Ðức Phật, địa danh này được người ta biết đến là Aparānta. Theo truyền thuyết, Mandhātā đem bốn người thiếu nữ đức hạnh từ ba châu lục khác nhau đến Jambudīpa và sống ở đây. Khi vua băng hà, chính những người này không thể trở về được và xin phép thừa tướng của vua cho phép mình định cư ở Jambudīpa. Thừa tướng đồng ý, và từ đó địa danh Aparānta được đặt ra, có liên hệ đến việc định cư của những người đến từ Aparagoyāna.
Thời pháp đầu tiên mà ngài Trưởng lão thuyết ở xứ này là bài kinh Aggikkhandhopama Suttanta. Sau thời pháp, có rất nhiều thanh niên thiếu nữ xuất gia tu tập. Theo quyển Mahāvaṃsa, có khoảng một ngàn người xin xuất gia, trong đó có cả con trai, con gái của những gia đình quí tộc.
*Phái đoàn thứ sáu: do Trưởng lão Mahārakkhita nhận trách nhiệm đi hoằng dương chánh pháp tại Trung Á, miền bắc Iran. Ngôn ngữ Pāli gọi xứ này là Yonaka. Vào thời kỳ vua Milinda, thủ đô của Yonaka là thành phố Sāgala. Người ta nói rằng buổi lễ xây dựng đại bảo tháp (Mahāthūpa) có ba chục ngàn Tỳ khưu đến tham dự, dưới quyền chủ tọa của Trưởng lão Yonamahādhammarakkhita. Ngài đến từ Alasandā ở nước Yona. Hẳn nhiên Alasandā là trụ sở của Chư Tăng Phật giáo thời đó. Nói chung Alasandā do vua Macedonian (Alexander) đồng hóa ở nước Paropanisadae gần Kābul. Trong kinh Assalāyana, nước Yona và Kamboja được nói đến như là những địa danh mà trong xã hội chỉ có hai tầng lớp, đó là chủ và tớ, và chủ bỗng nhiên biến thành tớ. Trong Chú giải Trung bộ kinh, Tập II-784, có giải thích điều này như sau: vì giai cấp Bà la môn đi đến đó và chết cho nên trẻ con của họ kết bạn với giai cấp tôi tớ, do đó chủ biến thành tớ. Quyển Mahāvaṃsa có đề cập đến sự truyền bá thành công của ngài Trưởng lão Mahārakkhita tại xứ sở này. Thời pháp đầu tiên Ngài thuyết tại đây mang là bài Kinh Kālakārāma-suttanta. Sau thời pháp, có một trăm bảy chục ngàn người chứng đắc đạo quả và mười ngàn người xin xuất gia, sống đời phạm hạnh.
*Phái đoàn thứ bảy: do Trưởng lão Majjhima, Kassapagotta, Mūlakadeva, Durabhissara và Trưởng lão Deva Sahadeva nhận trách nhiệm truyền bá chánh pháp ở khu vực Himālaya. Ðịa danh Himālaya có nhiều tên gọi khác nhau: Himavā, Himācala, Himavanta … nhưng tên gọi phổ thông là Himālaya (tức là nơi có nhiều tuyết – Tuyết Sơn). Nó là một trong bảy dãy núi bao quanh Gradhamādana [theo Chú giải Sutta-nipāta, i., 66]. Diện tích khoảng 300 ngàn dặm, có đến 84 ngàn đỉnh núi, đỉnh cao nhất là 500 do tuần (Yojanas) tương đương với 8.000 km. Ở trong vùng Himavā có bảy cái hồ nước lớn, mỗi cái có chiều dài, ngang, sâu khoảng 50 dặm. Tên bảy cái hồ đó là Anotatta, Kannamunda, Rathakāra, Chaddanta, Kunāla, Mandākinī và Sīhappapātaka. Tại những hồ này, ánh nắng mặt trời không bao giờ đốt nóng được nước hồ. Nước từ Himavā chảy đổ vào 500 dòng sông. Tuy nhiên, theo Chú giải Suttanipāta và Milindapañhā thì chỉ có 10 dòng sông nhận nước trực tiếp từ Himavā, còn những dòng sông khác thì nhận nước gián tiếp. Mười con sông đó là Gaṅga, Yamunā, Aciravatī, Sarabhū, Mahī, Sindhu, Sarrassatī, Vettavatī, Vītamsā và Candabhāgā. Trong Túc sanh truyện (Jātaka), Himavā được đề cập đến như là một nơi trú ngụ của các vị đạo sĩ khi bỏ đời sống thế tục. Ở đây có nhiều rừng già rất thích hợp cho ẩn tu. Trong Chú giải Tiểu bộ kinh Sutta Nipata có đề cập một đỉnh núi tại Himavā được đặt tên là Mahāpapāta, nơi Ðức Phật Độc giác viên tịch. Chú giải Tương Ưng bộ kinh, III-120, ghi rằng loài rồng (Nagā) đến núi Himavā để sinh con. Chú giải Trưởng lão Tăng kệ, II-138, có đề cập đến một lần Trưởng lão Sīvali từ Sāvatthi đi đến núi này cùng với 500 người bạn đồng tu. Cuộc hành trình này làm mất thời gian chư vị khoảng 8 ngày. Quyển Mahāvaṃsa, XII.41, ghi năm vị Trưởng lão thuộc phái đoàn vua Asoka đi đến nước Himavā hoằng pháp. Thời pháp đầu tiên được thuyết ở xứ sở này là bài Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkappavatthanva suttanta). Sau khi bài kinh được thuyết giảng xong, có 80 người phát khởi lòng tịnh tín. Năm vị Trưởng lão này thuyết giảng tại 5 vương quốc chung quang vùng Himavā, và trong mỗi vương quốc có khoảng 100 ngàn người xin xuất gia.
*Phái đoàn thứ tám: do hai Trưởng lão Soṇa và Uttara nhận trách nhiệm đi hoằng pháp ở xứ Suvaṇṇabhūmi. Cho đến nay các học giả vẫn chưa nhất quán về nơi chốn của địa danh Suvaṇṇabhūmi. Sử liệu Thái Lan, Campuchia, Miến Điện … cho rằng phái đoàn thứ tám của vua Asoka có truyền giáo đến đất nước họ. Như vậy Suvaṇṇabhūmi có lẽ là một quốc gia rộng lớn. Có thuyết cho rằng Suvaṇṇabhūmi là tiền thân của xứ Phù Nam (Funan). Một số học giả trên thế giới phỏng định vị trí của Phù Nam như sau [theo Lê Hương, “Sử liệu Phù Nam”]:
* Ông Mã Ðoàn Lâm người đời nhà Tống (960-1280), ở Lạc Bình, viết trong bộ “Văn Hiến Thông Khảo” rằng Phù Nam ở một hòn đảo lớn về phía nam quận Nhật Nam, trong biển Tây, cách Nhật Nam 7.000 lý (1 lý = 400 thước tây), về phía tây nam cách Lâm-Ấp 3.000 lý, diện tích lãnh thổ rộng 3.000 lý.
* Trong quyển sử ký Tư Mã Thiên có đoạn ghi rằng “… Dưới triều vua Thành Vương nhà Châu, năm Tân Mão (1109 trước dương lịch), có sứ nước Việt thường sang triều cống chim bạch trĩ. Vị sứ giả không biết đường trở về được Châu Công Ðản cho năm xe Chỉ Nam để dò đường. Sứ giả đi qua xứ Phù Nam, Lâm-Ấp, và trở về nước đúng một năm”.
* Ðường thư chép: “Bà Lợi (P’ O-Li, tên của Phù Nam) ở phía đông nam nước Chiêm Thành, phía nam có nước Chu Nại, đến sau niên hiệu Vĩnh Huy (Ðường Cao Tông 650-655) bị nước Chân Lạp chiếm”.
* Ông Klaproth và Paulhier cho rằng Phù Nam ở vùng Pégou nước Miến Ðiện.
* Ông Déguine cho rằng Phù Nam là một hòn đảo ở phía tây nước Thái Lan.
* Ông Abel Résumat cho rằng Phù Nam là một tỉnh của Trung Hoa ở miền bắc Việt Nam.
* Ông Wilford cho rằng Phù Nam là một vương quốc ở Mã Lai.
* Ông Stanisla Julien cho rằng Phù Nam ở Thái Lan.
* Ông Barth cho rằng Phù Nam ở Ấn Ðộ.
* Ông Schelegel cho rằng đất Thái bị một chư hầu của Phù Nam chiếm đóng.
* Ông Bowring và ông Wade cho rằng vương quốc Phù Nam ở Thái Lan, căn cứ theo danh từ Phù Namdo chữ TCHETOU (Xích thổ) là một vùng đất đỏ nhờ phù sa bồi lên.
* Ông Aymonur cho rằng Phù Nam gồm miền nam nước Cao Miên, bây giờ là miền nam nước Việt Nam.
* Ông Blagden cho rằng Phù Nam gồm đất Cao Miên, Thái Lan cho đến vùng Pégou ở Miến Ðiện. Khi các vị Trưởng lão đến truyền bá đạo Phật ở đây thì trong cung điện vua, các hoàng tử sinh ra thường xuyên đều bị nữ Dạ Xoa biển ăn thịt. Sự hiện diện của các Trưởng lão lúc đó trùng hợp ngày sinh của hoàng tử. Ban đầu dân chúng nghĩ rằng những vị này là bạn của nữ Dạ Xoa và họ định dùng vũ khí giết các Ngài. Các Trưởng lão giải thích cho họ biết các vị là những sa môn chân chính, và tìm hiểu nguyên nhân tại sao có sự hiểu lầm nầy. Sau khi biết rõ nguyên nhân, nhị vị Trưởng lão liền dùng thần thông cảm hóa nữ Dạ Xoa. Sau khi cảm hóa Da Xoa xong, nhà vua và dân chúng vô cùng hoan hỷ với phái đoàn truyền giáo. Nhân đó, nhị vị Trưởng lão bắt đầu thuyết pháp cho vua và dân chúng nghe, qua bài kinh Phạm Võng Brahmajāla sutta (Trường bộ kinh). Sau khi thuyết giảng xong, có 60.000 người xin qui y Tam Bảo và 3.500 nam nữ con gia đình quý tộc xin xuất gia. Thêm vào đó, về sau này mỗi khi có hoàng tử nào sinh ra, nhà vua đều đặt tên là Soṇuttara – ghép từ hai tên của nhị vị Trưởng lão là Soṇa và Uttara.
*Phái đoàn thứ chín Do Trưởng lão Mahādhammarakkhita lĩnh trách nhiệm truyền giáo ở Mahāratthi. Về địa danh này, các học giả nhận định đó là xứ Marāthī, mà có lẽ ngày nay là phía đông bắc của thành phố Bombay, Ấn Ðộ. Trưởng lão Mahādhammarakkhita là một vị cao tăng đức hạnh, có thần lực phi phàm. Khi vị Trưởng lão đến xứ sở này, dân chúng vô cùng ái mộ và đều theo ngài học tập giáo lý của Ðức Phật. Thời pháp đầu tiên vị Trưởng lão thuyết ở đây là kinh Bổn Sanh Jātaka (Tiểu bộ kinh Khuddaka Nikāya). Kinh Bổn sanh là tập hợp những câu chuyện tiền thân của Ðức Phật, kể lại tiền kiếp khi Ngài còn là vị Bồ tát đang thực hành pháp thập độ Pārami. Bộ kinh có giá trị luân lý, đạo đức qua các tấm gương giác ngộ sáng ngời của các vị Bồ Tát tiền thân của Ðức Phật Gotama. Sau thời giảng, dân chúng hoan hỷ tín thọ lời dạy của Trưởng lão. Có 84.000 người chứng đắc đạo quả, và 30.000 người xin gia nhập Giáo đoàn.
Nguồn: http://