Số là năm ấy trời hạn hán, không có mưa, nên mực nước sông Rohini rất thấp, không đủ cho nông dân hai bên bờ sông dùng. Ðại diện nông dân bên xứ Koliya bảo:
– Nước sông Rohini năm nay ít quá, không đủ cho cả hai bên dùng. Nhưng lúa phía chúng tôi sắp chín rồi. Vậy quý vị hãy để cho chúng tôi dùng nước trước, đến khi lúa chín rồi sẽ tới phiên quý vị.
– Lúa bên phía chúng tôi cũng đang lúc cần nước. Ðợi đến khi lúa bên phía quý vị chín rồi thì lúa phía chúng tôi đã quá mất sức, lúc ấy nước sông cũng đã cạn. Chúng tôi sẽ phải đi qua đó xin ăn thôi. Hãy để chúng tôi dùng nước trước rồi quý vị hãy dùng sau.
Lời qua tiếng lại một hồi đi đến chỗ nặng lời:
– Chúng bay có đói thì kéo nhau về Kapilavastu mà xin ăn. Ðồ quân gì mà anh chị em lấy nhau như chó.
– Chúng bay nói ai là chó? Chúng bây là quân cùi hủi sống trong rừng như thú vật.
Từ thương thuyết đến tranh cãi nặng lời, rồi đến đấm đá. Cuối cùng binh đội hai nước dàn trận hai bên bờ sông. Tình thế trở nên gay cấn, sắp xảy ra chiến tranh.
Ðức Phật đang ngụ tại giảng đường Kutagara ở Mahāvana, hay tin, vội tức tốc đến nơi để dàn xếp cuộc tranh chấp. Hỏi các vị tướng chỉ huy quân đội hai bên thì họ nói rằng phía bên kia khinh người, xâm phạm ranh giới và tài sản bên này. Không ai nói đến lý do thật sự của cuộc tranh chấp. Mãi đến khi đức Phật nói chuyện với các nông dân chất phác mới biết nguyên nhân chính là do thiếu nước tưới vào ruộng rẫy hai bên bờ sông.
Nhờ có thân tình với cả hai bên, đức Phật sắp xếp cuộc gặp gỡ giữa các vương tử đại diện cho hai xứ Sakya và Koliya để thảo luận và tìm biện pháp hòa giải. Ngài nói:
– Này quý vị vương tử, sở dĩ nước sông Rohini năm nay yếu kém là vì trời ít mưa. Vài tháng nữa, đến mùa mưa, mực nước sông sẽ trở lại như cũ thì cả dân chúng hai bên bờ sông đều có đủ nước dùng. Nếu để xảy ra chiến tranh thì chẳng những binh lính hai bên phải chết hoặc bị tàn phế thảm thương mà dân chúng và ruộng vườn của cả hai bên cũng sẽ bị thiệt hại không thể lường trước được. Này quý vị, quý vị thử nghĩ xem mạng sống của quý vị, của binh lính, của dân chúng là quan trọng hay nước sông Rohini và ruộng vườn là quan trọng?
– Bạch Thế Tôn, mạng sống của con người tất nhiên đáng quý trọng hơn.
– Ðúng thế! Vậy Như Lai khuyên quý vị nên tìm biện pháp hòa giải để tạm thời chia nước sông Rohini ra đồng đều cho dân chúng hai bên bờ sông đều có nước dùng tạm. Chiến tranh thường chỉ gây chết chóc, hận thù, chứ không bao giờ mang đến một giải pháp tốt đẹp, kể cả đối với người thắng trận.
Này quý vị, chúng ta sẽ được hạnh phúc bằng cách gạt bỏ hận thù khi sống giữa đám người thù hận (Pháp Cú, bài 197); chúng ta sẽ được hạnh phúc nếu biết sống lành mạnh giữa đám người bệnh tật (Pháp Cú, bài 198); chúng ta sẽ được hạnh phúc nếu biết sống thanh tịnh giữa đám người đầy tham vọng (Pháp Cú, bài 199). Thắng lợi sinh thù oán, thất bại chịu khổ đau, người không tranh thắng bại, sống an lành hạnh phúc (Pháp Cú, bài 201).
Nghe xong, 250 vương tử xứ Sakya và 250 vương tử xứ Koliya xin xuất gia theo Phật. Do sự can thiệp của đức Phật mà hai bên đã đi tới một sự thỏa thuận về vấn đề phân chia nước tưới cho dân chúng hai bên bờ sông Rohini trong khi chờ đợi mùa mưa tới. Các vị vương tử rút binh về triều, thuật lại lời đức Phật giảng hòa cho vua Suddhodana, vua Suppabuddha, triều thần và vợ con của họ nghe. Hai xứ Sakya và Koliya tái lập bang giao thân tình như cũ.