Tam Tạng Kinh Điển gồm những lời giáo huấn, những điều răn dạy của Đức Phật Gotama trong suốt 45 năm kể từ khi Ngài chứng đắc thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác cho đến khi Đức Phật tịch diệt Niết Bàn, trong đó gồm có lời của các hàng đệ tử, chư thiên, phạm thiên,… được Ngài nhắc lại hoặc xác nhận cũng xem như là kim ngôn của Đức Phật.

Kể từ khi Đức Phật nhập Niết-bàn, đã có 6 lần Tam Tạng Kinh điển được các bậc cao Tăng trùng tuyên lại nhằm duy trì chính xác và đầy đủ Kim ngôn của Đức Phật, trong đó 3 lần kết tập Tam Tạng đầu đều bằng khẩu truyền (Mukhapātha, chưa ghi chép bằng chữ viết).

Kỳ kết tập Tam Tạng lần thứ tư được tổ chức tại động Ālokalena vùng Matula-janapada xứ Sri Lankā, khoảng thời gian 450 năm sau khi Đức Phật tịch diệt Niết-bàn gồm 1.000 bậc Thánh Arahán đắc Tứ Tuệ Phân Tích, do Ngài Đại Trưởng Lão Mahādhammarakkhita làm chủ trì thực hiện suốt một năm trời đã trùng tuyên lại toàn bộ 84.000 Pháp uẩn trong Tam Tạng Kinh điển. Bước ngoặt lịch sử trong Phật giáo là toàn bộ Pháp và Luật của Đức Thế Tôn đã được ghi chép trọn vẹn bằng chữ viết trên lá buông. Sau đó, chư bậc Thánh Arahán kết tập Tam Tạng bằng cách khẩu truyền một lần nữa, hoàn toàn y theo bản chính của ba kỳ kết tập Tam Tạng lần trước. Hiện nay, toàn bộ di sản Kinh điển trên lá buông được quốc đảo Sri Lankā thờ tự như quốc bảo vô giá của quốc gia.

Năm 2002, Tỳ khưu Indacanda (Chánh Thân) là một vị sư Việt Nam đến Sri Lankā tu học. Đầu năm 2003 Bhante Indacanda bắt đầu thực hiện việc chuyển ngữ từ Chánh Tạng Pāli sang Việt ngữ trong khuôn khổ hoạt động của Công trình Tam Tạng Song ngữ Pāḷi Việt với dự định sẽ chuyển ngữ toàn bộ Tam Tạng Tipiṭaka sang hình thức song ngữ Pāḷi Việt với tổng số 58 cuốn (Hiện đã hoàn thành được 20 cuốn). Tuy nhiên, do ngôn ngữ được sử dụng trong Tam Tạng Pāli là một cổ ngữ của Ấn Độ có văn phạm tương đối phức tạp, trong lĩnh vực phiên dịch thì khó tìm được một văn bản dịch có giá trị tương đương với nguyên tác. Phần dịch Việt ngữ của Bhante Indacanda cũng vậy. Vì Bhante dịch Việt với tinh thần “dịch sát văn bản gốc” theo từng từ, từng câu nên chưa phù hợp với những nhóm đối tượng ít tiếp xúc nhiều với Pháp học Phật giáo. Nhưng đây là tài liệu tra cứu vô cùng thuận tiện và quý giá cho công việc nghiên cứu và hiệu đính của các học giả học Phật, các học viện Phật giáo, các nhà xuất bản… Đây sẽ là tiền đề thiết thực giúp cho việc hoàn thành bộ Tam Tạng Việt Ngữ tiến đến hoàn thành trọn đủ bộ Tam Tạng song ngữ Pāḷi Việt sau này.

Có thể nói Bhante Indacanda là 1 trong số hiếm dịch giả trên thế giới đã và đang chuyển ngữ Tam Tạng Tipiṭaka từ Pāḷi sang ngôn ngữ bản địa, và là 1 trong số hiếm chư Tăng có hạnh nguyện hoằng Pháp to lớn như vậy. Nếu việc biên dịch chuyển ngữ Tam Tạng Tipiṭaka sang Việt ngữ thành công thì nền tảng Pháp học của Phật giáo Việt Nam sẽ được trang bị và củng cố vững chắc, mở ra những cơ hội nghiên cứu sâu rộng cho cả hàng xuất gia và Phật tử Việt Nam. Chắc chắn nhờ duyên may đó mà sẽ có rất nhiều lớp người xuất gia và tại gia thêm hăng say nghiên cứu về Pháp học.

Tuy nhiên, công việc biên dịch Tam Tạng hiện nay đang gặp trở ngại lớn vì Bhante Indacanda ngày càng lớn tuổi mà không tìm được nhân vật nào đồng sở học và sở nguyện để tiếp tục công việc hoằng Pháp vĩ đại này. Hiện nay Bhante Indacanda đang trú tại tự viện Sri Jayawardhanaramaya khu vực Kotte để thực hiện tâm nguyện là chuyển ngữ toàn bộ Tam Tạng Kinh Điển từ ngôn ngữ Pāḷi sang tiếng Việt nhằm giúp Phật Giáo Việt Nam có thêm cơ hội tiếp cận và nghiên cứu về Tam Tạng Tipiṭaka nguyên gốc. Năm 2006, những cuốn Tạng Luật Vinaya song ngữ Pāḷi Việt đầu tiên đã được in tại Sri Lankā và đã được chuyển về Việt Nam cũng như các nước có chư Tôn đức người Việt Nam đang sống và tu tập như Mỹ, Úc, Pháp, Đức… Tính đến nay, Công trình Tam Tạng Song ngữ Pāḷi Việt đã in được 600 bộ gồm đầy đủ Tạng Luật (9 cuốn) và Tiểu Bộ Kinh (11 cuốn)

Năm 2013, duyên lành cho Phật tử Việt Nam đơm hoa kết trái khi Bhante Indacanda về thăm Việt Nam, cư sĩ Tuệ Ân – một thành viên của Trung tâm nghiên cứu Phật giáo Việt Nam (chi nhánh miền Bắc) thuộc Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam đã đến đảnh lễ và thỉnh cầu Bhante Indacanda cho phép được chuyển thành thuần Việt ngữ Tạng Luật và phần Tiểu Bộ Kinh đã được Bhante Indacanda dịch để thuận tiện cho chư Tôn đức Việt Nam trong việc nghiên cứu Pháp học. Xét thấy tầm vóc vĩ đại của Công trình với tâm nguyện to lớn của những người tham gia, nhằm xiển dương Chánh Pháp của Đức Phật, Bhante Indacanda đã đồng ý với đề xuất của Tuệ Ân đặt tên chương trình là “Công trình ấn tống Tam Tạng Việt Ngữ” với mục đích kêu gọi hàng Phật tử tại gia phát khởi đại thiện tâm, ấn tống Pháp Bảo dâng tới chư Tôn đức tất cả các hệ phái đang xuất gia tu tập trong sự quản lý của Trung ương GH PGVN. Kể từ năm 2014 đến nay. Công trình ấn tống Tam Tạng Việt Ngữ đã ấn tống được gần 8000 Tạng Luật và một phần thuộc Tiểu Bộ Kinh dâng tới chư Tôn đức các hệ phái trong khắp quốc độ Việt Nam.

Hiện nay, nhóm thực hiện Công trình Tam Tạng song ngữ Pāḷi Việt và Công trình Tam Tạng Việt ngữ đang tiến hành hiệu đính lời dịch tiếng Việt và dịch lại các bài kệ theo lối văn xuôi cho được chính xác và đầy đủ ý nghĩa hơn để đối chiếu với văn bản Pāli cho các tập Tiểu Bộ thuộc Tạng Kinh gồm có:

– Theragāthāpāli và Therīgāthāpāli -Trưởng Lão Tăng Kệ, Trưởng Lão Ni Kệ (1 tập)
– Vimānavatthupāli và Petavatthupāli – Chuyện Thiên Cung, Chuyện Ngạ Quỷ (1 tập)
– Jātakapāli – Chuyện Tiền Thân (3 tập).

Lý do đặc biệt lưu ý là các bản dịch tiếng Việt đang được lưu hành hiện nay là các tài liệu được phiên dịch từ Chú Giải (Atthakathā). Việc xác định rõ tính chất và xuất xứ của tài liệu: là Tipitakapāli – Chánh Tạng, Atthakathā – Chú Giải, Tīkā – Sớ Giải, hoặc các tài liệu được xuất bản thời gian sau này cũng rất cần thiết cho việc học hỏi và trau giồi kiến thức về Phật học.

Kế hoạch đến năm 2020 của Công trình Tam Tạng Việt ngữ là hiệu đính tiếng Việt và dàn trang cho 31 tập còn lại dựa trên các bản dịch tiếng Việt đã được phát hành gồm có:

– 4 Bộ của Suttantapitaka – Tạng Kinh là:
+ Dīghanikāya – Trường Bộ (3 tập),
+ Majjhimanikāya – Trung Bộ (3 tập),
+ Samyuttanikāya – Tương Ưng Bộ (6 tập),
+ Anguttaranikāya – Tăng Chi Bộ (6 tập); tất cả là 18 tập.
– Abhidhammapitaka – Tạng Vi Diệu Pháp (13 tập).

Đây có thể được coi như 1 cột mốc trong sự nghiệp phát triển Phật giáo tại Việt Nam.. Xét những nỗ lực và công lao của Bhante Indacanda và lợi ích to lớn mà Công trình Tam Tạng Song ngữ Pāḷi Việt đã đạt được. Ngày 20/06/2013, Ngài Aggamahā Pandita Bellana Sri GnānawimalaMahānayaka đã thay mặt Giáo Hội Phật Giáo Sri Lanka trao tặng Bhante Indacanda danh hiệu cao quý “Pariyatti Visārada” (Bậc vững chắc về Pháp học). Đây là điều hết sức vinh dự cho chư Tăng ngoại quốc đang tu học tại Sri Lanka nói chung và chư Tăng Việt Nam nói riêng.

Đại thiện sự ấn tống Tam Tạng Việt Ngữ là công trình đem lại sự hoan hỷ và lợi ích không chỉ cho các bậc xuất gia mà còn giúp cho Phật tử tại gia biết hướng tâm kính ngưỡng Tam Bảo, biết tu tập và làm phước lợi lạc nhất không chỉ cho mình mà còn lợi ích cho cả cộng đồng Phật tử, bổ sung sức mạnh cho sự phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Đội ngũ quản lý Website:

Trang Bùi

Tiểu sử ở đây

Đọc thêm

Quan Ta

Tiểu sử ở đây

Đọc thêm

Vũ Đình Lâm

Tiểu sử ở đây

Đọc thêm